Bắc 1000 cây cầu đến Thăng Long Hà Nội

Các thớt khác của dongibst

dongibst

GÂY DỰNG
Bắc 1.000 cây cầu đến Thăng Long - Hà Nội
Lao Động số 142 Ngày 23/06/2010 Cập nhật: 8:27 AM, 23/06/2010
Ông Hai Y và ông Võ Viết Thanh bên cây cầu thứ 900.
(LĐ) - Cách đây khoảng 3 năm, khi Nhà nước thông báo kế hoạch tổ chức đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội vào năm 2010, có một người cũng tự đặt ra kế hoạch cho mình: Hoàn thành xây dựng 1.000 cây cầu cho dân nghèo vào dịp đại lễ.

Trong những ngày này, khi ở thủ đô đang có nhiều hoạt động chuẩn bị cho ngày lễ lớn thì ở một nơi heo hút của tỉnh Bến Tre cũng khởi công xây dựng cây cầu thứ 1.000. Một ngàn cây cầu hướng về Thăng Long - Hà Nội không phải được làm từ tiền ngân sách, mà từ hàng vạn tấm lòng hướng theo một tấm lòng.

Cây cầu thứ 1.000 nơi cuối đất

Từ TP.Bến Tre đi về hướng biển khoảng 50km là tới Thạnh Phú, huyện heo hút nhất tỉnh Bến Tre. Đi thêm 12km nữa tới bến phà Cầu Ván. Qua phà, đi tiếp 7km tới xã heo hút nhất huyện. Người dân cả nước không lạ gì địa danh Thạnh Phong - điểm cuối cùng của đường Hồ Chí Minh trên biển tiếp nhận vũ khí trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chỉ cách trụ sở UBND xã nửa cây số, hơn 1.000 dân ấp Thạnh An - nơi đã từng đón và che chở những chiếc tàu không số, phải chịu cảnh cù lao, qua sông lụy đò, trẻ em đến trường bằng xuồng thùng phuy.

Đầu tháng 6 vừa qua, xóm heo hút Thạnh An như bừng tỉnh khi dự án bắc cầu Lịch Sử qua sông Giồng Dài được khởi công. Cầu dài hơn 60m, rộng 2,5m, vốn đầu tư hơn 500 triệu đồng, được Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Bến Tre (KHKTCĐBT) vận động tài trợ. Đây là cây cầu thứ 1.000 do hội vận động xây dựng, cũng là công trình đăng ký chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Với cây cầu này, mỗi lần có bão gần, hàng ngàn dân ấp Thạnh An sẽ không còn phải tất tả đổ xô qua sông như trước.

Ngày khởi công xây cầu, hầu như cả ấp Thạnh An đến dự. Có mấy gia đình cứ nấn ná không về, nước mắt lưng tròng. Nếu cầu có sớm hơn thì người thân họ đã không chết oan, chết uổng. Chỉ trong khoảng 10 năm qua đã có 4 trường hợp chết chìm khi qua sông, người chết gần nhất là thương binh Ngô Văn Trình.

Đầu giờ chiều 15.6, khi đến nơi thi công cầu Lịch Sử, tình cờ tôi chứng kiến cảnh Trưởng ban ND ấp Thạnh An - ông Nguyễn Thành Trơn - qua sông bằng thùng phuy để lên xã họp. Con đò là chiếc thùng phuy nhựa cắt đôi theo chiều dọc, rồi ghép lại.

Ông Trơn cho biết, không thể tả hết niềm vui của người dân ấp Thạnh An khi có cầu qua sông Giồng Dài, chấm dứt cảnh cù lao cách trở từ bao đời.

Còn ông Phan Văn Ngẫu - Phó Chủ tịch HĐND xã Thạnh Phong - thì lại vui mừng chuyện khác: Với chiếc cầu này, du khách sẽ có điều kiện đến thăm trực tiếp những nơi đoàn tàu không số cập bến năm xưa, xã Thạnh Phong sẽ phát triển được du lịch.

Từ cây cầu thứ 500

Không phải ngẫu nhiên mà ấp Thạnh An được chọn xây tặng cây cầu thứ 1.000 đầy ý nghĩa. Theo ông Trịnh Văn Y (thường gọi ông Hai Y, Chủ tịch Hội KHKTCĐBT), các ông “để dành” ấp Thạnh An để xây tặng cây cầu thứ 1.000 vì 2 lẽ: Đây là nơi đất thiêng và chi phí xây cầu quá lớn (hơn 500 triệu đồng).

Vào năm 2007, ông Hai Y đã hình dung ngày khởi công xây cầu ở Thạnh Phong vào năm 2010. Sau 5 năm thành lập (2002-2007), Hội KHKTCĐBT do ông Hai Y làm chủ tịch đã vận động xây được 500 cầu bêtông thay thế cầu khỉ.

Đứng trước cây cầu thứ 500 ở ấp Giồng Sâu, xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, ông Hai Y chợt nảy ý định sẽ làm đủ 1.000 cây cầu vào năm mừng kỷ niệm Thăng Long - Hà Nội. Ông đã cho gắn biển kiên cố cây cầu thứ 500 và đăng ký với lãnh đạo tỉnh về chương trình 1.000 cây cầu. Các cây cầu mang biển số 501, 502, 503... tiếp tục ra đời dồn dập, con số cứ lớn dần, mỗi con số đều gắn liền với một câu chuyện: Cầu thứ 850 do các tổ chức từ thiện CHLB Đức tài trợ; cầu thứ 888 (còn có tên cầu Sư Vĩnh Khương) được xây dựng từ lòng hảo tâm của các phật tử đến từ TPHCM; cầu thứ 900 có sự giúp sức của ông Võ Viết Thanh - nguyên Chủ tịch UBND TPHCM - vận động các doanh nghiệp TPHCM tài trợ...

Bước vào năm 2010, ông Hai Y và các cộng sự đã về trước 6 tháng cái đích mà mình tự đặt ra. Các ông đã chính thức chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội ngay từ đầu tháng 6.

Đi thăm chiếc cầu thứ nhất

Dù đã ngấp nghé tuổi 70, nhưng ông Hai Y vẫn chắc nịch trong từng bước đi khi ông đưa tôi đến thăm cây cầu số 1 được xây dựng cách nay 8 năm. Đó là cầu Xẻo Lá, thuộc ấp 2, xã Lương Phú, huyện Giồng Trôm. Đứng bên đầu cầu, ông kể lý do ông chọn nơi đây xây chiếc cầu đầu tiên trong “sự nghiệp cầu đường” của mình: Đây là vùng đất chịu nhiều gian khổ, hy sinh nhất tỉnh Bến Tre trong chiến tranh. Đối phương đã từng chà đi xát lại bằng bom B52, trước khi rải trắng trời chất khai quang dioxin. Có trận bom đã giết hại hơn 40 người dân Lương Phú, chính ông Hai Y (lúc đó là Bí thư xã) đã tận tay chôn cất những thi thể không nguyên vẹn.

Trong thời gian làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, ông đã huy động sức dân cùng Nhà nước xây dựng cầu. Nhưng thời đó tỉnh còn nghèo, dân còn khổ, chỉ một ít cầu được làm trong khi cả tỉnh có hơn 1.000 cầu khỉ cần bêtông hoá. Đến khi về nghỉ hưu năm 2001, ông xem đó như là một món nợ với dân cần tiếp tục trả. Cây cầu thứ nhất ở Lương Phú mở đầu cuộc “trả nợ” kỳ thú của ông Hai Y, để đến nay ông đã “trả nợ” cho dân nông thôn đúng 1.000 cây cầu.

Bắc qua những tấm lòng

Ngoài 1.000 cây cầu, ông Hai Y còn vận động xây tặng bà con nông dân gần 120km đường nhựa và đường bêtông. Tổng số tiền vận động làm cầu đường đã lên hơn 100 tỉ đồng. Các công trình từ thiện này phục vụ đi lại cho khoảng 235.000 hộ dân với gần 900.000 người hưởng lợi, góp phần phát triển KT-XH nông thôn.

Theo chân ông Hai Y, tôi đi qua những cây cầu mang những cái tên bình dị: Nguyễn Thị Bảy, Nguyễn Thị Rải (xã Châu Hoà, Giồng Trôm); Lê Thị Đấu (xã Châu Bình, Giồng Trôm)... Ông cho biết, đó là những mẹ VNAH đã dùng tiền chính sách của mình để bắc cầu cho các cháu học sinh nhỏ đến trường được dễ dàng...

Đứng trước cây cầu Khém Sâu thuộc xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày, giọng ông Hai Y bỗng chùng xuống: “Ngày khánh thành cầu, có 2 bà mẹ cứ đứng khóc mãi trên cầu. Hỏi ra mới biết, cách đó ít lâu 2 đứa con nhỏ của họ trên đường đi học về qua cầu khỉ bị trượt chân té xuống sông cùng chết. Xoá xong cầu khỉ, mỗi năm không còn hàng chục trẻ chết oan uổng”.

Trong những ngày lang thang qua những cây cầu khắp Bến Tre, tôi gặp một số cầu treo có yếu tố nước ngoài, gắn với cái tên Toni Ruttimann. Đó là những công trình do ông Toni - người Thụy Sĩ chuyên làm từ thiện, làm tặng dân nghèo qua “chiếc cầu” Hai Y. Ông đã vận động bè bạn bè khắp thế giới ủng hộ 15 tỉ đồng, để rồi cùng ông Hai Y lăn lộn mấy năm trời xây dựng 48 cầu treo cho Bến Tre. Hội của ông Hai Y cũng đã vận động Quỹ Schmitz (CHLB Đức) hỗ trợ xây dựng 20 cầu, mỗi cầu trị giá 25 triệu đồng...

Dù tiếp nhận nguồn đóng góp làm cầu đường hàng chục tỉ đồng mỗi năm, nhưng Hội KHKTCĐBT không lập quỹ xây dựng, không thành lập đội công trình, mà giao toàn bộ cho địa phương và nhân dân quản lý. Ban thường trực hội có 3 người đều “cơm nhà, áo vợ”, tự túc chi phí. Kể cả chi phí đi vận động, hội đều tự bỏ ra. Hội còn làm tư vấn giúp lập hồ sơ thiết kế miễn phí để giảm giá thành xây cầu.

Bây giờ Bến Tre đã cơ bản xoá cầu khỉ, liệu mai này ông Hai Y có bị “thất nghiệp”? Ông cười khà, nói: “Xoá được cầu khỉ, nhưng còn nhiều đường đất lầy lội vào mùa mưa cần bêtông hoá. Với lại, những cây cầu xây trong giai đoạn đầu chỉ thiết kế cho người và xe 2 bánh, bây giờ phải nâng cấp để xe 4 bánh chạy được. Tui chỉ sợ không còn đủ sức để lo chuyện cầu đường”.
Kỳ Quan
 

Bài viết cần bạn xem thêm

Hnay lướt HHVN, cứ hiện bảng thông báo nhỏ.
Cảm ơn HHVN. Cảm ơn đội ngũ Admin, Mod Quỳnh, Lan Anh, Lam Sơn, Sỹ Huy và Mod Nam,,,
Cũng luyến tiếc lắm.
Hẹn gặp a e ngày gần nhất
Hcm luôn Welcome nếu a e có dịp công tác ghé qua.
Alo Tín 0942261626 Bình ...
Top