Bóng đá Việt Nam từ những ông thầy ngoại: Sau nhiều năm vắng mặt ở bóng đá khu vực, bóng đá Việt Nam đến với SEA Games với những kết quả không vui. SEA Games 1991 và 1993, Việt Nam không qua khỏi vòng loại. Tôi nhớ năm 1993 tại Singapore, dẫn dắt đội bóng quốc gia là ba vị tướng cứng cựa là Vũ Văn Tư, Nguyễn Văn Minh và Trần Bình Sự, nhưng kết quả thi đấu của đội là khá nghèo nàn.
Thua Indonesia 0-1, thua Singapore 0-2. Chỉ thắng mỗi Philippines không biết đá bóng vỏn vẹn 1-0. Kết quả là Việt Nam bị loại sớm. Lúc đó tôi nhớ một câu nói của tổng thư ký liên đoàn Bóng đá Việt Nam Trần Bảy "Bóng đá Việt Nam phải làm lại?" Nhưng làm lại từ đâu?
Và rồi sự có mặt của huấn luyện viên người Đức Weigang. Chúng ta đã biết sự làm lại đó. Chính là sự mở mắt. Bóng đá Việt Nam đóng cửa quá lâu nên quờ quạng như một anh nhà quê ra phố. Thấy cái gì cũng sợ, do đó không phát huy được nội lực của mình. Phương pháp huấn luyện của ông Weigang không có gì mới, ông chỉ dắt đội sang Đức đá bóng với các ông tây cao lớn. Cứ ba ngày đấu một trận. Thế là quen với thi đấu quốc tế. Mặt khác huấn luyện viên Weigang là sự khởi đầu với việc làm quen và học tập với huấn luyện viên nước ngoài. Cả về chuyên môn, sinh hoạt và tính kỷ luật. Những điều không thể có được nếu cứ mãi làm việc với huấn luyện viên trong nước. Năm 1995, bóng đá Việt Nam bước một bước dài tại SEA Games với chiếc huy chương bạc.
Sau ông Weigang, có khá nhiều huấn luyện viên với đủ quốc tịch đến làm việc với cầu thủ Việt Nam nhưng dài nhất vẫn là huấn luyện viên người Áo Riedl. Điều mà ông Riedl mang đến lớn nhất là sự bài bản. Ông Riedl mang đến kỷ cương, nền nếp trong sinh hoạt. Nhờ ông Riedl các cầu thủ Việt Nam đã sắc nét trong phòng thủ và tấn công, trong đó lối chơi tấn công biên được đề cao.
Đội tuyển Việt Nam đã có những tiến bộ nhưng đường tới đỉnh còn xa lắm bởi vì án ngữ trước mặt vẫn là đội tuyển Thái Lan. Đã bốn lần chúng ta lỡ hẹn với chiếc huân chương vàng đều là những thất bại khi đụng đầu với Thái Lan, kể cả khi thi đấu trên sân nhà. So sánh về tầm vóc, thể lực, kỹ thuật thì chúng ta không thua kém lắm so với Thái Lan, nhưng họ vẫn nhỉnh hơn chúng ta về tư duy chiến thuật. Những gì học được từ ông Riedl là một thứ khuôn mẫu dễ bị bắt bài.
Ông Calisto mang lại những tố chất rất khác. Trước hết, ông Calisto là con người rất am hiểu bóng đá Việt Nam. Gần một thập niên làm việc ở Việt Nam thì 80% thời gian ông lăn lộn chỉ đạo ở cấp câu lạc bộ từ hạng nhất đến hạng chuyên nghiệp. Ông là người rất giỏi phát hiện ra nhân tố mới từ Tài Em, Trường Giang, v..v… trước đây đến Trọng Hoàng, Chu Việt Anh, Đình Đồng, Hoàng Quảng, v..v… bây giờ. Những cái tên trước khi đến tay ông đều là những nhân vật vô danh. Trong khi đó ông Riedl chỉ sử dụng những cái tên do người ta chọn và hoàn toàn không thay đổi. Ông Calisto còn là người giỏi về mặt tâm lý. Ông có thể đốt lửa để tạo nên động lực chiến đấu của học trò.
Dù Calisto đoạt huy chương bạc như Riedl đi nữa, bóng đá Việt Nam luôn biết ơn những ông thầy ngoại. Nhờ có họ mà ta có thể lên tới đỉnh và bước ra khỏi ao làng.
Nguyễn Vĩnh Nguyên