Gửi bạn đoạn trích này đọc tham khảo
( Theo www.asset.vn)
Hoạt động Phân phối
Nhiều năm liền, doanh thu của FPT lệ thuộc chủ yếu vào hoạt động phân phối trong đó phân phối điện thoại di động chiếm tỷ trọng lớn nhất, tiếp theo là phân phối phần mềm và các sản phẩm công nghệ thông tin khác.
Hệ thống phân phối của FPT gồm 3 công ty con: FPT Distribution, FPT Mobile Technology và FPT Retail, trong đó: FPT Distribution là nhà phân phối điện thoại di động có thị phần lớn nhất; là thương hiệu đứng đầu trên thị trường phân phối điện thoại di động tại Việt Nam; FPT Mobile kiểm soát toàn bộ hạ nguồn của phân phối điện thoại di động với các cửa hàng rất phong cách, giá cả khá tốt; FPT Retail là nhà bán lẻ điện thoạt di động và các sản phẩm công nghệ thông tin khác với thương hiệu [IN]-Instore. FPT Mobile Technology và FPT Retail là hai công ty con mới được thành lập và kỳ vọng đem lại lợi nhuận biên cao hơn so với FPT Distribution do cũng thực hiện cả hoạt động hạ nguồn.
Cho tới nay,
thị trường điện thoại di động Việt Nam luôn đạt mức tăng trưởng khá cao và dự tính sẽ còn tiếp tục kéo dài trong thời gian tới. Đây là một cơ hội đầy hứa hẹn cho các hãng phân phối điện thoại di động, đặc biệt là với FPT, một “ông lớn” chiếm lĩnh tới 80% thị phần Nokia, và là nhà phân phối của nhiều hãng nổi tiếng khác như Motorola, Vertu, Samsung v.v...
Mặc dù chiếm tỷ lệ doanh thu lớn, nhưng doanh số từ hoạt động phân phối điện thoại di động của FPT có tỷ suất lợi nhuận thấp nhất, lại đang đối mặt với nguy cơ bị pha loãng do sự xuất hiện của ngày càng nhiều các đối thủ cạnh tranh mới như: PV Telecom, Viettel, P&T Mobile,…, trong đó hai đối thủ đáng gờm nhất là PV Telecom thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Viettel.
PV Telecom được FPT nhận định là đối thủ nặng ký nhất trong mảng phân phối điện thoại di động do được Nokia hỗ trợ trực tiếp và có tiềm lực tài chính khá mạnh khi là một công ty con thuộc Tập đoàn Dầu khí Viêt Nam. Thời gian đầu, PV Telecom đã tiếp cận rất thành công thị trường mục tiêu là các tỉnh nhỏ và khu vực ngoại thành thành phố Hà Nội và Tp.HCM. Điều này đã giúp PV Telecom rút ngắn dần khoảng cách với FPT và hiện tại đang xây dựng hệ thống phân phối hoàn chỉnh để mở rộng sang phân khúc thị trường tại các thành phố lớn.
Ngoài ra, Viettel cũng đang là một tác nhân lớn đe dọa tới thị phần phân phối điện thoại di động của FPT. Viettel vẫn được coi là một “Master Dealer” bán lẻ điện thoại với việc phân phối các dòng sản phẩm cấp thấp của Samsung. Mặc dù không mạnh về sản phẩm nhưng Viettel lại có lợi thế dịch vụ trọn gói từ cung cấp dịch vụ mạng tới bán lẻ điện thoại di động, tập trung phân phối một số model độc nhằm chuyên sâu vào lĩnh vực của mình mà không phân phối toàn diện. Gần đây, Viettel cũng vừa công bố trở thành nhà phân phối chính thức của dòng điện thoại
di động dành cho doanh nhân BlackBerry.
Dù biết “cuộc chiến” giành giật thị phần dường như chỉ diễn ra với các “ông lớn”, song cũng không thể không chú ý tới các đối thủ nhỏ chiếm lĩnh những mảng thị trường nhất định như Thành Công Mobile với dòng điện thoại Panasonic, An Bình Mobile với BenQ Siemens và HTC, P&T Mobile với dòng Sony Ericsson v.v...
Như vậy, có thể dự đoán trong vài năm tới, thị trường phân phối điện thoại di động sẽ có sự thay đổi về thị phần rõ rệt, trong đó PV Telecom chiếm lĩnh thị trường nông thôn, Viettel Mobile chiếm lĩnh phân khúc dòng điện thoại giá rẻ bên cạnh
dòng BlackBerry danh giá, còn FPT sẽ “tung hoành” trong phân khúc thị trường cao cấp như Smart phone, PDA… tại các thành phố lớn.
Song song với phân phối điện thoại di động, mảng phân phối phần mềm và các sản phẩm công nghệ thông tin khác cũng là một bộ phận không nhỏ đóng góp vào doanh thu phân phối của toàn tập đoàn. Nhưng ngay trong mảng kinh doanh này, FPT cũng gặp phải không ít khó khăn từ phía các đối thủ cạnh tranh tầm cỡ, lớn nhất là CMC và Trần Anh.
FPT và CMC là hai tập đoàn công nghệ lớn nhất Việt Nam, là hai nhà phân phối cấp cao nhất tại Việt Nam do
Microsoft chính thức thừa nhận, được ủy quyền thực hiện hợp đồng sử dụng bản quyền phần mềm Microsoft Office cho toàn bộ hệ thống máy tính của các cơ quan trực thuộc Chính Phủ, địa phương. Cạnh tranh trực tiếp với FPT trong phân phối các sản phẩm công nghệ thông tin là CMC Distribution, công ty con thuộc Tập đoàn CMC. CMC Distribution phân phối chuyên biệt trong lĩnh vực ICT và là nhà phân phối độc quyền các sản phẩm TravelMate của Acer tại Việt Nam. Theo kế hoạch, CMC đặt mục tiêu trở thành nhà phân phối cấp 1 chính thức của nhiều hãng công nghệ thông tin và tới năm 2010 hy vọng sẽ là công ty phân phối các sản phẩm ICT hàng đầu tại Việt Nam có khả năng cạnh tranh quốc tế cao.
Trước sức ép cạnh tranh ngày càng tăng cao không những từ phía các doanh nghiệp trong nước mà còn từ các doanh nghiệp nước ngoài sau khi Chính phủ cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được phép tham gia lĩnh vực phân phối tại Việt Nam từ năm 2009, doanh thu của FPT từ hoạt động phân phối có thể vẫn tăng trưởng song với tốc độ chậm lại và tỷ suất lợi nhuận thu được nhiều khả năng sẽ giảm xuống thấp hơn.