Xin hỏi Hải là nếu không có một số người như anh Đặng Vương Hưng, chị Tạ Bích Loan... thì em làm sao biết được trên đời có những cuốn nhật ký ấy? Em đã đành, còn hàng vạn, hàng triệu thanh niên khác, ít điều kiện tiếp xúc với thông tin, với những tiện nghi hiện đại mà chúng ta đang có cơ may hơn họ - thì sao? Báo chí, truyền thông sinh ra là để làm những việc đó. Tấm gương ấy được họ đặt ở một nơi công cộng nên cần được "chế tác" sao cho nó dủ lớn để mọi người cùng soi. Còn em (mà cả anh cũng thế thôi), chúng ta, tất nhiên ai không có những tấm gương nhỏ nhoi và "không sắp đặt" của riêng minh nữa chứ!
Tinh thần phản kháng đúng là rất tốt! Anh cũng luôn ghét thói adua, bắt chước theo hiệu ứng số đông. Anh cũng luôn thích phản kháng và phản biện (đến mức có người phát ghét). Anh từng tranh luận kịch liệt với bạn bè về cái "duyên" nghề nghiệp, cái bản lĩnh thực sự của chị dẫn chương trình kia... Tuy nhiên, phải nói để em thông cảm, chuyện thích hay không thích một điều gì là quyền của mỗi người. Nếu "tôi" không thích thì chỉ mong "tôi" hãy nói sao để cái không thích ấy đừng làm tổn thương đến cái thích của các anh chàng "tôi" khác.
Không phải ai đọc hai cuốn sách này thì đều là người sống nhân văn cao cả, có lý tưởng, luôn hướng thiện... Cũng không phải tất cả những người kêu gọi đọc/ ca ngợi đã đủ hứng thú và kiên nhẫn, đã có trái tim đủ lớn để đọc nó. Nhưng đâu vì thế mà ta có thể đánh đồng tất cả người đọc? Trong - đục mỗi người đều tự hiểu, anh nghĩ không cần thiết phải tự nhận mình là "nước đục" để phân biệt với "nước trong" như thế. Hãy cứ là một dòng thủy lưu như mình muốn và hoà vào dòng chảy chung có trong có đục, vì tất cả sẽ đều phải đổ ra biển cả thôi!