Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời...

Các thớt khác của Lam Sơn

Lam Sơn

Super Moderators
Người VN nhà mình có câu: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”; dân TQ thường tin vào câu: “Một gia tài không thể thọ nổi 3 thế hệ”; Văn hoá phương tây coi định luật này như một lời nguyền rủa của thần Midas.Theo thống kê cuả ông Paul Schervish, giám đốc Center on Wealth and Philanthropy - Boston College, trong vòng 50 năm tới sẽ diễn ra một sự chuyển nhượng gia tài lớn nhất trong lịch sử cuả nhân loại. Đến năm 2044 ít nhất $41 nghìn tỷ USD sẽ được để lại cho thế hệ con cháu đời sau.

Vấn đề nổi cộm ở đây là những nguyên nhân chính của quy luật hay lời nguyền “không ai giàu ba họ …” – xã hội đã quan sát rất nhiều các đại gia đình giàu có nhưng đều bị lụi bại vì con cháu không phát huy được truyền thống “con hơn cha là nhà có phúc”. Một thống kê khác ở phương tây cho thấy rằng 6 trong 10 gia đình có gia tài lớn thường bị “hao tốn” tài sản vào cuối đời thế hệ thứ hai; và 9 trong 10 gia đình sẽ “tiêu hết sạch” toàn bộ gia tài cuả mình vào cuối đời thế hệ thứ ba.

Một số chuyên gia tài chính giải thích hiện tượng này như sau:

Thế hệ thứ nhất do hoàn cảnh bắt buộc hoặc có tính tiến thủ đã quyết tâm “một tay gây dựng cơ đồ” để đổi đời – được ấm no hạnh phúc, có một cuộc sống sung túc và quan trọng hơn là để dành của ăn của để cho con cháu sau này.

Thế hệ thứ hai sẽ noi gương cha mẹ mình, vừa kiếm thêm tiền vừa giữ của. Ở thế hệ này nếu gia đình nào có phúc thì con sẽ hơn cha. Nếu cha là người giỏi xuất chúng hay có những thành công sáng chói thì con cái thường bị “chột” – khó thoát ra khỏi cái bóng cây cổ thụ của người cha. Phần lớn sẽ cố gắng làm giàu thêm cho gia đình, nhưng đa số chỉ thành công trong việc bảo tồn gia tài cuả mình.

Thế hệ thứ ba sẽ ăn hết sạch gia tài mà hai thế hệ trước đó đã dày công gây dựng và gìn giữ. Vấn đề chính ở đây là đồng tiền hay cuộc sống trong nhung luạ thường làm con người ta ỷ lại nếu không bị hư hỏng – chúng thừa kế cả một gia tài nhưng không được hưởng những kinh nghiệm xương máu, không hề biết đến những gian khổ, sự hy sinh, những giá trị cốt lõi của cuộc sống hay sự thông thái trong công cuộc làm giàu vv..vv..
Chẳng cha mẹ nào muốn con cái mình sống thiếu thốn, nhưng họ cũng không nên bảo hộ các cục cưng theo kiểu “chăn ấm đệm êm” vì làm như vậy các “của để dành” sẽ không có ý trí tiến thủ, nghị lực, tính tự lập hay sự hy sinh.

Không ai muốn chứng kiến gia tài của mình bị tiêu tan, con cái không hơn người, do vậy các bậc cha mẹ (nhất là những ai có gia tài lớn sắp để lại cho con cái) phải luôn chu đáo chuẩn bị tinh thần cho con cái - dạy dỗ chúng về đồng tiền, giá trị của nó, những chiến lược kiếm tiến, và triết lý sống khi giàu vv..vv..

Gần đây tôi tình cờ xem được 2 bộ phim nói về chủ đề này, đó là “The Ultimate Gift” của Hollywood và “A Millionaire’s First Love” cuả Korea. Cả hai đều đưa ra những giải thích cho câu nói “Một gia tài không thể thọ nổi 3 thế hệ” và đề cập đến những giá trị cốt lõi của cuộc sống (như giá trị từ lao động, tình bạn, gia đình, giá trị đồng tiền, cách tiêu tiền, ước mơ …). Mong rằng bạn cũng có thời gian và sự quan tâm để xem 2 bộ phim bổ ích này.
Trần Cao Dũng
[Dựa trên nội dung của
“The curse of vanishing wealth” MSN Money]

Tại sao tôi lại đưa bài viết trên lên đây? Vì nó có liên quan đến các sự kiện hôm nay. Các anh em HHVN chắc không ít lần nghe kể chuyện về "Công tử Bạc liêu" năm xưa? Sơ lược về nhân vật này như sau:


Sinh ngày 22.06.1900
Mất 1973. Sài Gòn


Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy (1900-1973, còn có tên khác là Ba Huy) là một tay chơi nổi tiếng ở Sài Gòn và miền Nam những năm 1930, 1940. Ngày nay, Công tử Bạc Liêu trở thành một thành ngữ để chỉ những kẻ ăn chơi.

Vốn thành ngữ "Công tử Bạc Liêu" ra đời từ những năm đầu thế kỷ 20. Thời đó, thực dân Pháp đã ổn định về tổ chức của vùng đất thuộc địa Nam Kỳ. Do việc phân chia lại ruộng đất, đã làm nảy sinh rất nhiều đại điền chủ ở vùng đất này. Thời đó dân gian đã có câu "Nhất Sỹ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Trạch" để chỉ 4 vị đại điền chủ giàu có nhất vùng đất Nam Kỳ.

Theo phong trào khi ấy, các đại điền chủ, hào phú quyền quý khắp Nam Kỳ Pháp, thậm chí du học bên Pháp. Tuy nhiên, hầu hết các vị công tử giàu có này, ảnh hưởng bởi sự phồn hoa đô hội, sẵn tiền, nên thường đi vào con đường tay chơi để thể hiện mình. Trong số vị công tử ấy, không ai đủ sức xài tiền như các công tử Bạc Liêu. Thành ngữ "Công tử Bạc Liêu" có từ lúc ấy. Về sau, thành ngữ này chỉ dùng để chỉ công tử Trần Trinh Huy vì chẳng công tử nào sánh kịp về khả năng tài chính và độ phóng túng đối với vị công tử này. Từ đó "Công tử Bạc Liêu" trở thành danh xưng riêng của Ba Huy, không một ai có thể tranh chấp.

(Xem thêm ở đây: http://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%B4ng_t%E1%BB%AD_B%E1%BA%A1c_Li%C3%AAu)

Nhấn vào liên kết dưới đây:
- Khi thông tin về chiếc máy bay 7 triệu USD của "bầu" Đức tràn các báo thì ít ai biết, cách đây gần một thế kỷ, khi tư nhân mua ôtô còn đếm được trên đầu ngón tay thì Công tử Bạc Liêu đã sở hữu máy bay cá nhân, chỉ sau vua Bảo Đại.

... và hiện giờ con trai của "Công tử Bạc Liêu" nổi tiếng một thời ngày xưa nay sinh sống ra sao? Chạy xe Honda ôm.

Hôm nay 13/9/2009 báo Tuổi Trẻ đưa tin: Tặng đất cho con công tử Bạc Liêu

Ngày 12-9, ông Nguyễn Chí Luận - giám đốc Công ty CP Địa ốc Bạc Liêu - cho biết đã trao cho ông Trần Trinh Đức (62 tuổi), là con trai công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy, giấy chứng nhận quyền sử dụng 300m2 đất thổ cư ở khu du lịch Hồ Nam, thị xã Bạc Liêu (trong khu đô thị địa ốc Bạc Liêu).
Ông Đức là con trai công tử Bạc Liêu với người vợ thứ tên Nguyễn Thị Hai, hiện ở nhờ gia đình bên vợ tại Q.Gò Vấp (TP.HCM), sống bằng nghề chạy xe ôm và nuôi con gái út bị bệnh tâm thần.

Theo ông Nguyễn Chí Luận, hiện ông Đức đang nhờ UBND tỉnh Bạc Liêu và Hội Nhà báo tỉnh Bạc Liêu vận động hỗ trợ kinh phí xây phủ thờ cha mẹ kết hợp tham quan du lịch, số tiền dự kiến khoảng 300 triệu đồng. Sau khi xây xong phủ thờ, ông Đức sẽ giới thiệu với du khách về cuộc đời công tử Bạc Liêu, đồng thời ông Luận hỗ trợ lương quản lý cho ông Đức với mức 5 triệu đồng/tháng.
(Duy Khang)

Chúng ta có thể suy gẫm ra được nhiều điều chăng?
 

Maybach

57s
GẮN KẾT
GÂY DỰNG
Chúng ta có thể suy gẫm ra được nhiều điều chăng?

Em nghĩ là câu nói ấy tự an ủi khi thấy thua người khác về mặt nào đó.
Ở đời kô tiền người ta khinh, nhiều tiền người ta ghét. Do vậy ko bằng người ta nên buông câu "rủa" ai giàu ba họ. và tự an ủi mình "ko khó ba đời".

Và đặc điểm chung là câu này "phán" về tương lai, giống kểu thầy bói. Chỉ biết 1 đều giàu thì chắc chắn ko dốt, và tầm nhìn phải lớn hơn người bình thường.

Về trường hợp công tử Bạc Liêu cần phải dựa trên lịch sử. Tài sản của Công tử Bạc Liêu đã đi đâu hết để đến mức người con không có đất, và tại sao chính quyền cấp đất cho người con công tử Bạc Liêu? Khách sạn công tử Bạc Liêu hiện nay năm trong tay ai và do ai quản lý......? rất nhiều câu hỏi chưa có giải đáp đấy.
 

dauyeu

Neompx
MÁY HỎNG
GẮN KẾT
Về trường hợp công tử Bạc Liêu cần phải dựa trên lịch sử. Tài sản của Công tử Bạc Liêu đã đi đâu hết để đến mức người con không có đất, và tại sao chính quyền cấp đất cho người con công tử Bạc Liêu? Khách sạn công tử Bạc Liêu hiện nay năm trong tay ai và do ai quản lý......? rất nhiều câu hỏi chưa có giải đáp đấy.


anh tuyên viết thêm đi anh, đọc cho hiểu mà

toàn nghe công tử bạc liêu lấy tiền nấu cháo phải không ta :D không nhớ chính xác lắm \m/

còn giờ công tử bạc liêu cũng nhiều mà công tử bạc lẻ cũng tumf lum
 

Lam Sơn

Super Moderators
anh tuyên viết thêm đi anh, đọc cho hiểu mà.

toàn nghe công tử bạc liêu lấy tiền nấu cháo phải không ta :D không nhớ chính xác lắm \m/

còn giờ công tử bạc liêu cũng nhiều mà công tử bạc lẻ cũng tumf lum
Anh "đau yếu" muốn nghe chuyện "lấy tiền nấu cháo" à? Để tôi trích dẫn nguồn Wikipedia để anh em xem nhé :D

Xuất thân

Trần Trinh Huy, tên thật là Trần Trinh Quy sinh ngày 22 tháng 6 năm 1900, nhưng do cho rằng cái tên “Quy” không sang trọng nên ông đổi lại thành “Huy”. Ngoài tên Công tử Bạc Liêu, Trần Trinh Huy còn mang nhiều tên khác như Ba Huy, Hội đồng Ba (cách gọi của tá điền, sự thật thì Ba Huy không là thành viên trong hội đồng nào), Hắc công tử (do nước da ngăm đen và để phân biệt với Bạch công tử).

Trần Trinh Huy là con trai ông Trần Trinh Trạch, tức Hội Đồng Trạch, một người xuất thân là thư ký làng, nhờ cưới được cô Tư, con gái của ông bá hộ Phan Văn Bì, người có đất ruông nhiều nhất trong tỉnh Bạc Liêu, người ta tặng cho ông Bá hộ là “Vua lúa gạo Nam Kỳ”. Ông Bá hộ chọn rể cho cô con gái thứ Tư trong trường hợp đặc biệt. Hằng năm ông tới Tòa Bố (tòa Hành chánh) tỉnh đóng thuế điền địa. Trong nhiều năm ông chấm viên thư ký điền địa tên Trần Trinh Trạch là người đứng đắn đàng hoàng. Ông hỏi thăm gia thế thì biết thầy ký Trạch chưa vợ. Ông mời về nhà chơi, tạo thuận lợi cho thầy ký Trạch trông thấy cô con gái thứ tư của ông. Nhiều lần tới lui, hai bên “mến tay mến chân”. Ông Bá hộ thấy hai đứa nhỏ “tình trong như đã mặt ngoài còn e” liền làm lễ cưới. Ông cho con gái và rễ một sở đất để ra riêng. Thầy ký Trạch xin nghỉ làm công chức điền địa để làm chủ điền. Với trình độ văn hóa tương đối khá, lại có ông già vợ cho đất, giúp vốn nên không bao lâu thầy kỳ Trạch phất lên. Với huê lợi hàng năm, ông sắm thêm đất điền. Có điều ông Bá hộ không thích là đất ông tách bộ cho các con của ông lần lượt chạy về tay chàng rể thứ tư. Nguyên do là các con ông mê cờ bạc nên đem đất điền cầm cố nơi anh rể. Cầm cố lâu năm không chuộc kể như mất luôn. Ông Bá hộ chỉ tự an ủi là “lọt sàng xuống nia”, các sở đất đó không rơi vào người ngoài, thương con gái thì phải thương rể. Nhờ vậy, Hội Đồng Trạch càng ngày càng giàu có, đồn điền ruộng lúa có thể được xếp vào hàng bậc nhất miền Nam lúc bấy giờ. Có người viết:

Nghèo đến thằng mình còn chạy quýnh,
Giàu như ông Trạch cũng buồn thiu.

Trần Trinh Trạch là chủ sở hữu của 74 sở điền, với 110.000 ha đất trồng lúa, gần 100.000 ha ruộng muối. Theo lời cháu chắt ông kể lại, toàn tỉnh Bạc Liêu lúc bấy giờ (gồm 4 quận Vĩnh Lợi, Cà Mau, Vĩnh Châu, Giá Rai) có 13 lô ruộng muối thì 11 lô là của ông Hội Đồng Trạch, một lô còn lại của cha sở và một lô của dân thường. Ông Trạch có 7 người con, 4 gái, 3 trai. Trong 3 người con trai của ông Trạch (Trần Trinh Đinh, Trần Trinh Huy và Trần Trinh Khương) thì Ba Huy là ăn chơi hơn cả.

Con người

Trần Trinh Huy từng đi du học ở Pháp, sau ba năm về nước không một mảnh bằng, để lại một người vợ Pháp và một đứa con ở lại Paris. Khi Ba Huy về nước ông Trạch kéo gia đình lên Sài Gòn đón quí tử. Chiếc xe Ford đang dùng tốt nhưng ông nói nhân sự kiện đặc biệt này phải sắm thêm một chiếc xe mới, cho xứng với học hàm, học vị của cậu Ba, cho rạng mặt Trần gia.

Trần Trinh Huy là người cao lớn, khoảng 1,70 m, lực lưỡng nhưng không cục mịch, trái lại dáng người rất thanh thoát, sang trọng, da đen, mày rậm… người đầy sinh lực. Tính tình Huy rất dễ dãi và hào phóng. Người trong nhà lầm lỗi, Huy cũng ít rầy la. Bà con ở xa lên thăm, Huy đều cho tiền. Tá điền không thấy Huy đòi nợ ai bao giờ, ai nghèo quá, năn nỉ Huy còn bớt lúa ruộng. Cho nên tá điền Bàu Sàng ít ai oán ghét Ba Huy.

Trong các mối quan hệ, Ba Huy là người khoáng đạt, không dè dặt và mưu toan gì. Thời đó, các cậu công tử lẫn điền chủ điều chơi với người Pháp thì rất khúm núm, nịnh nọt, gọi là “chơi thế”. Riêng Ba Huy thì cứ “toa toa” “moa moa” sòng phẳng, ngang hàng. Nếu như trong mắt giới giang hồ tứ chiếng, Ba Huy là một người ngon nhất Nam bộ, thì trong mắt người Pháp, Huy được nể trọng vì có vợ đầm và mướn người Pháp làm công cho mình. Tánh của Ba Huy vị tha và coi tiền như rơm rác. Bút tích của Huy cho thấy tuy nét chữ bay bướm nhưng lại rất xấu, chứng tỏ đó là một con người thông minh, từng trải nhưng đường học vấn không đến nơi đến chốn.

Ba Huy cũng là người rất cởi mở, không cổ hủ, cực đoan như nhiều điền chủ khác. Ông từng ủng hộ Việt Minh một lúc 13.000 giạ lúa. Công tử Bạc Liêu còn tỏ ra là một con người tự trọng, đã hứa với Chính phủ những gì thì ông sẽ làm thế ấy. Ông đã hứa với người lãnh đạo cao nhất của Tỉnh ủy Bạc Liêu là giảm tô, không hợp tác với Pháp, gửi vải vóc thuốc men cho kháng chiến và thực hiện đúng như vậy. Thích hội hè, Ba Huy có lẽ là người tổ chức hội chợ và hội thi “Hoa hậu miệt đồng” đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long.

Ba Huy có bốn người vợ và rất nhiều nhân tình. Người vợ đầu là người Pháp, trong thời gian Ba Huy đi học ở Paris. Về nước ông cưới một người vợ ở Bạc Liêu là Ngô Thị Đen. Bà này ở với Ba Huy sinh được người con gái là cô Hai Lưỡng. Sau cô Hai Lưỡng qua Pháp sống. Từ năm 1945, Ba Huy lên Sài Gòn ở hẳn. Ông lấy thêm một bà nữa và sinh được ba người con: Nghĩa, Nhơn, và Đức.

Bà cuối cùng, khoảng năm 1968, Ba Huy dọn về căn nhà phố đường Nguyễn Du, Sài Gòn. Mỗi sáng đứng trên lầu nhìn xuống, ông thấy một cô gái gánh nước đi qua đẹp quá. Hỏi thăm thì đựơc biết cô gái đó là con ông già làm nghề sửa xe đạp. Ba Huy đến nhà ông già xin “đổi” căn nhà đó lấy cô gái. Ông già và cô gái sau khi bàn bạc đồng ý. Và đó là người vợ cuối cùng của Ba Huy, kém ông đến 50 tuổi. Bà sống chung thủy với ông đến ngày ông qua đời. Họ có ba con trai và một con gái tên Hoàn, Toàn, Trinh và Nữ.

Ba Huy còn rất nhiều con với các nhân tình. Tuy những người đó không phải vợ chính thức nhưng con cái của họ đều được Trần gia thừa nhận. Ông mất năm 1973 ở Sài Gòn và được đưa về an táng trong phần mộ gia đình tại ấp Cái Dầy, xã Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu.


Khách sạn Công tử Bạc Liêu
 

Lam Sơn

Super Moderators
Những giai thoại

Ông Trạch giao cho Ba Huy việc trông coi điền sản. Huy đi vào các sở điền bằng xe hơi hoặc ca nô. Việc này là một sự kiện đặc biệt, Ba Huy đi đến đâu tá điền ùn ùn kéo đến xem, vì cả đời họ chưa được nhìn thấy xe hơi, ca nô bao giờ. Đi đòi nợ các tỉnh, Ba Huy dùng chiếc Ford Vedette, còn đi chơi ông có chiếc Peugeot thể thao, sản xuất năm 1922. Loại xe đó cả miền Nam khi ấy chỉ có hai chiếc, chiếc kia là của vua Bảo Đại.

Ba Huy còn thuê một người Pháp làm công cho mình. Đó là ông Henri, chồng bà Tư Nhớt, một người trong gia tộc Trần Trinh. Ông này làm quản lý, điều hành gia sản cho ông Hội Đồng Trạch, dưới quyền ba Huy. Theo hợp đồng, quản lý được hưỏng 10% trên tổng số lợi tức thu được hàng năm. Chính vì vậy ông Henri mới bỏ “mẫu quốc” qua làm mướn cho bên vợ, mãi đến tháng 4 năm 1975 mới về nước.

Công tử Bạc Liêu rất mê nghề võ. Vào nữa đầu thế kỷ 20, học võ là một cái mốt với nhận thức: Học võ để nâng cao cái khí phách thượng võ của kẻ anh hào. Ba Huy không học võ Tây hay võ Ta mà học võ Xiêm. Ông ta đã cất công qua Xiêm mướn một ông thầy thượng hạng về dạy cho mình và Tám Bò, là em út của ông ta.

Một sự kiện chấn động cả nước khi đó là Ba Huy đi thăm ruộng bằng máy bay. Và lúc ấy cả Việt Nam cũng chỉ có 2 chiếc là của Công tử Bạc Liêu và của vua Bảo Đại. Một lần bay qua thăm điền Rạch Giá, Công tử Bạc Liêu hứng chí bay ra biển Hà Tiên chơi, cứ bay mải miết cho đến khi kim báo xăng không còn nhiên liệu, buộc lòng Ba Huy phải đáp khẩn cấp. Xuống đất, Ba Huy hoảng hốt biết mình đã bay lọt sang tận nước Xiêm. Trần Trinh Huy bị Nhà nước Xiêm bắt giữ và phạt 200 ngàn giạ lúa. Ông Hội đồng Trạch phải chở một đoàn ghe chở lúa thật dài qua tận Xiêm để chuộc quí tử về. Ông là người Việt Nam đầu tiên sở hữu máy bay tư nhân và sân bay tư nhân.

Ba Huy sinh hoạt cực kì sang trọng và xa hoa. Ra đường là đóng bộ veston, thứ hàng đắt tiền nhất thời đó. Thói quen của Ba Huy là ăn sáng kiểu Tây, trưa ăn cơm Tàu, chiều ăn cơm Tây. Mỗi lần từ Bạc Liêu đi Sài Gòn là ông ta ngồi trên chiếc xe cáu cạnh, có tài xế lái. Khi lên Sài Gòn ít khi Công tử Bạc Liêu ở ngôi biệt thự của Trần gia mà vào một trong những khách sạn nổi tiếng sang trọng ở Sài Gòn. Có khi hứng chí đi dạo mát Ba Huy thuê cả chục chiếc xe kéo, ông ta ngồi một chiếc, những chiếc còn lại chở những món đồ như mũ, cây “can”…

Công tử Bạc Liêu là một người luôn xê dịch và rất ham vui, những cuộc ăn chơi nổ trời diễn ra, Trần Trinh Huy lặn ngụp trong những bàn tiệc với rượu sâm banh. Mỗi chủ nhật ông đều đi nghỉ cuối tuần ở Vũng Tàu, Đà Lạt hoặc về Cần Thơ. Ba Huy cũng là một kẻ mê cờ bạc, có những khi ông đánh một cây bài 30.000 đồng, trong khi lúa chỉ 1,7 đồng một giạ, lương của Thống đốc Nam Kỳ chưa tới 3.000 đồng một tháng.

Hắc công tử và Bạch công tử

Bạch công tử

Bạch công tử là Lê Công Phước hay còn gọi là George Phước, con trai của Đốc phủ Lê Công Sủng, người ở làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho. Phước cũng là một tay chơi nổi tiếng khi đó, da trắng nên được gọi Bạch công tử để phân biệt với Ba Huy. George Phước say mê cải lương, từng qua Pháp học về sân khấu. Về nước Phước cùng một người khác bỏ tiền lập hai gánh hát Phước Chương và Huỳnh Kỳ nổi tiếng với cô đào chánh đệ nhất tài sắc đương thời là cô Bảy Phùng Há và một cô đào tài sắc khác là Năm Phỉ. Cùng nổi tiếng ăn chơi, Bạch công tử và Hắc công tử trở thành kỳ phùng địch thủ.

Hắc công tử và Bạch công tử

Tác giả Nguyễn Thiện viết:

“Đang lúc cô Ba Trà, một người con gái có sắc đẹp làm xao xuyến tâm hồn Bạch công tử, thua bài sạch túi, ông trưởng giả lớn tuổi chưa kịp cung phụng tiền bạc tiếp để vừa lòng mỹ nhân, Bạch Công tử lù lù lái xe lại nhà cô Ba Trà, rủ xuống Cần Thơ ăn cá cháy và đánh bài gỡ bạc.

Hai người xừa xuống đến quán Bungalows ở Cần Thơ, máy xe chưa nguội thì chiếc Sport tám máy của Hắc Công Tử cũng vừa tới, thắng cái két. Cả hai lâm vào cảnh khó xử, việc chiếm được mỹ nhân chỉ còn cậy vào tài chinh phục của bản thân mình. Cả ba cùng đưa nhau vào khách sạn. Bạch Công tử lột chiếc cà rá hột xoàn trị giá 3.000 đồng vào thời đó để trên bàn trước khi vào phòng tắm. Lúc trở ra, thấy cô Ba Trà đeo thử nó trên tay, Bạch Công tử liền lên tiếng tặng luôn. Sau đó Hắc Công tử đã mua tặng cô Ba Trà một chiếc nhẫn trị giá gấp đôi…”

Một lần, đoàn Huỳnh Kỳ cùng cô Bảy Phùng Há về Bạc Liêu biểu diễn, Bạch công tử mời Hắc công tử đến xem. Đang xem, Bạch công tử móc thuốc hút, vô ý làm rớt tờ giấy con công [7], Bạch công tử cuối xuống tìm kiếm. Hắc công tử thấy vậy hỏi:

- Chú kiếm gì vậy?

- Tôi kiếm tờ con Công.

Hắc công tử mỉm cười nói:

- Để tôi đốt đuốc cho chú kiếm.

Nói rồi Hắc công tử móc tờ giấy bạc bộ lư châm lửa soi cho Bạch công tử kiếm. Bị một vố quá nặng, vãn tuồng, Bạch công tử mới nói:

- Toa chơi moa một cú đau quá. Bây giờ nếu toa ngon, toa với moa cân mỗi người ký đậu xanh, rồi lấy tiền nấu, ai sôi trước người ấy thắng? – Hắc Công Tử đáp “Chú cũng vậy nữa kìa! Ấy dà, Chú muốn chơi hả? Được,vậy để tôi chơi cho chú chết luôn!”

Tối hôm sau, Hắc công tử cho trải thảm đỏ từ ngoài cổng vào tận thềm nhà cứ mỗi thước cho một gia nhân cầm đuốc soi đường, nghinh đón phái đoàn của Bạch công tử. Cuộc thi được tổ chức ở đại sảnh nhà lớn của Trần gia. Lửa của tiền giấy thì rất kém nhiệt, chỉ cháy nhỏ, vì thế họ nấu chè rất lâu trong sự căng thẳng của rất nhiều người chứng kiến. Trán ai cũng rịn mồ hôi hột, nhất là những người trong gia đình họ Trần. Cuối cùng, nồi chè Bạch công tử sôi trước, Hắc công tử đành thua cuộc. Nhưng Ba Huy tuyên bố rằng ông ta thua trong danh dự.

Ngày nay, Công tử Bạc Liêu trở thành một thương hiệu du lịch hấp dẫn của tỉnh Bạc Liêu. Tòa biệt thự của Ba Huy khi xưa nay trở thành Khánh sạn Công tử Bạc Liêu.

Ngôi biệt thự của công tử Bạc Liêu được xây dựng từ năm 1919, do kỹ sư người Pháp thiết kế. Để đảm bảo độ bền và diện mạo kiến trúc, chủ nhân đã đặt hàng và cho chuyên chở toàn bộ vật liệu xây dựng như thép đúc, cửa, cẩm thạch lát nền, gạch, khung sắt trang trí từ Pháp qua. Các bù loong, ốc vít cho các chi tiết xây dựng đều được đóng dấu chìm mẫu tự P rất hoa mỹ, chứng thực sản xuất tại thủ đô Paris. Người dân Bạc Liêu gọi đây là “Nhà Lớn”. Không chỉ đẹp về kiến trúc, nội thất mà nhà Hội đồng Trạch cũng qui tụ vô số đồ gỗ, sứ, đồng… quý giá. Những bảo vật đó đến nay không còn do con cháu không giữ được, do mất mát vì chiến tranh hoặc những nguyên nhân khác. Có hai món đồ quí hiện được giữ nguyên vẹn ở chùa Chén Kiểu, Sóc Trăng là chiếc giường ngủ chạm khắc tuyệt mỹ và bộ bàn ghế cũng chạm trổ công phu. Đây là hai món quà do Ba Huy hào phóng tặng nhà chùa.

Hiện nay, ngôi biệt thự đó trở thành khách sạn Công Tử Bạc Liêu với 6 phòng ngủ. Trong đó 5 phòng bình thường và căn phòng Ba Huy từng ở trước đây có giá gấp đôi. “Phòng công tử” có một giường đôi, ti vi, máy lạnh, một bàn viết, một tủ áo và toilet khá rộng kế bên. Điểm độc đáo nhất của căn phòng này là chiếc máy điện thoại có từ đời Pháp thuộc đến giờ vẫn sử dụng tốt. Căn “phòng công tử” luôn đắt khách, nhất là người nước ngoài. Du khách muốn qua đêm tại đây buộc phải đặt phòng trước cả tháng. Cách khách sạn Công Tử Bạc Liêu không xa, còn có một cụm khách sạn, nhà hàng khác cũng mang tên Công Tử.

Cuối năm 2004, nhà văn Phan Trung Nghĩa của báo Bạc Liêu đã cho xuất bản quyển Công tử Bạc Liêu – Sự thật và giai thoại gồm nhiều câu truyện và tư liệu sưu tầm về Trần Trinh Huy.

Nguồn Wikipedia
 

kid212

GẮN KẾT
GÂY DỰNG
"Đời cha ăn mặn đời con khát nước" - Em chỉ biết nói câu này cho con trai của "Công tử bạc liêu" và thú thật thì em cũng muốn được như công tử bạc liêu thật . Tính ra ổng sống 1 đời không ai ghét trái lại còn thương và có cả 1 lịch sử giai thoại nổi bật ... Lãng tử đúng nghĩa !!!
 

BUI VAN DUNG

Super Moderator
GẮN KẾT
GÂY DỰNG
Gia tộc " Công tử Bạc Liêu" - những điều tôi biết.

Còn nhớ trong một buổi bàn luận chuyện xưa tích cũ xứ Bạc Liêu, ông Trần Phước Thuận, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Bạc Liêu nói với tôi rằng: “Trước đây nói đến công tử Bạc Liêu là nói đến khái niệm ăn chơi vô độ, nhưng dần theo thời gian khái niệm “công tử Bạc Liêu” đã trở thành khái niệm mỹ học, tượng trưng cho tính cách phóng khoáng, mến khách Nam bộ”. Chợt nhớ, đã từ lâu, người đời thường gán cho những tay ăn chơi xả láng, bốc trời biệt danh “Công tử Bạc Liêu”. Và bất luận ai khi về thăm Bạc Liêu đều bảo về xứ Công tử. Rồi bất cứ một hành động hào phóng, thậm chí ngông nghênh nào đó của dân xứ này đều được người xứ khác buông một câu - Đúng là dân công tử (!). Rõ ràng, những giai thoại ngày xưa về một “Công tử Bạc Liêu” có thật đã phủ lên mảnh đất này một sức hấp dẫn hiếm thấy.

Ngót một thế kỷ đã trôi qua, thế nhưng, gia tộc của Công tử Bạc Liêu vẫn làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo chí trong nước lẫn nước ngoài. Qua những tư liệu trước đây, người xứ khác biết về Công tử Bạc Liêu với những giai thoại như đốt tiền nấu chè đậu xanh, đi một lúc 6 chiếc xe lôi hoặc là người mua máy bay đầu tiên ở Đông dương. Vậy đâu là sự thật của những giai thoại đó. Có thật là gia tộc Công tử Bạc Liêu giàu đến mức ấy hay không? Bây giờ, gia tộc của Công tử Bạc Liêu ai còn ai mất? Xin chép lại đây những điều tôi biết qua mối duyên may được hầu chuyện, được tới lui với người nhà “Công tử Bạc Liêu”.

Hội đồng Trạch – nhà kinh doanh tầm cỡ của Nam bộ

Theo trí nhớ của một số cụ già sống kỳ cựu ở Bạc Liêu thì hồi đó - cách ngót thế kỷ - ở Bạc Liêu có rất nhiều đại điền chủ. Họ được chia thành 3 bực. Song, ở bực thứ nhất - các đại gia, xuất thân từ con bá hộ chỉ đếm ngót trên đầu ngón tay. Đó là: Trần Trinh Trạch, Châu Văn Quai (Tô Quai - chủ tô muối), Ngô Phong Điều (Hội đồng Điều), Chung Bá Vạn (chủ nhân rạp hát danh tiếng một thời “Chung Bá”, bây giờ là rạp hát Cao Văn Lầu). Bực thứ hai mới đến: Tô Lai Thêm (cha “cậu” Hai Lũy), Đốc tổng Hậu, Hội đồng Sổn (Huyện Sổn), Cao Minh Thạnh (thân sinh cụ chí sĩ Cao Triều Phát). Bực thứ 3 mới đến các “điền manh” - số này thì không thể nhớ hết tên. Trong ba bực vừa nêu thì vừa giàu, vừa có thế lực chỉ có gia tộc ông Hội đồng Trạch - cha của “Công tử Bạc Liêu” Trần Trinh Huy. Và theo trí nhớ của người già, chỉ có con cái của Hội đồng Trạch mới ăn chơi và đủ sức chơi ngông theo kiểu Công tử.

Ông Hội đồng Trạch quê ở Cái Dầy, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, sinh năm 1872. Ông vốn là một người kín đáo nhưng khôn lanh. Ông có cả ngàn mẫu ruộng hương hỏa ở Cái Dầy, rồi hàng ngàn khoảnh khác ở miệt biển Vĩnh Châu. Năm 42 tuổi, Toàn quyền Pháp cất nhắc ông làm Thư ký hậu bổ, giúp việc cho tỉnh trưởng, phó tỉnh trưởng lúc bấy giờ. Những năm đầu 30, khi Pháp vơ vét của cải dân xứ thuộc địa, giới đại địa chủ cũng không thoát khỏi cảnh bị móc hầu bao. Song, nước “Đại Pháp” đã gán cho một cái tên mỹ miều - “Miền Nam phụng bạc”. Không hiểu ông “phụng” bao nhiêu, chỉ biết không bao lâu sau, ông “hội đồng” đã là quan 5 - nghiễm nhiên trở thành ông lớn. Ngay cả những năm sau, các viên chức Pháp đến Bạc Liêu nhậm chức - cỡ Chánh án Tòa án - đều phải đến chào Hội đồng Trạch. Và cũng vì vậy, thư ký ghi chép sổ sách, coi sóc giấy tờ cho ông là một lục sự Tây hẳn hoi. Chính điều này càng là một thuận lợi cho việc mua bán đất điền của gia tộc Trần Trinh.

Chuyện làm giàu của Hội đồng Trạch cũng lắm giai thoại. Hồi đó, ở xứ Bạc Liêu ai được ông Hội đồng mời đến chơi cũng vừa mừng, vừa lo. Mừng vì không phải dễ gì được kết thân với một gia tộc quyền thế bậc nhất này. Còn nỗi lo lại là... sợ đánh bạc. Hội đồng Trạch vốn là một tay cờ bạc khá, đêm nào nhà ông Hội đồng cũng sáng đèn đến tận khuya. Khách không có tiền ông bảo gia nhân mở tủ lấy tiền cho khách mượn với một câu nhẹ hều: “Lấy tiền của ông mà chơi, tính toán gì, miễn khách vui thì gia chủ mừng”. Tiếng là “lấy chơi” không tính, thế nhưng, đã có không biết bao nhiêu đất đai, ruộng vườn của các địa chủ nhỏ rơi vào tay Hội đồng Trạch một cách hợp pháp vì... thua bài.

Thiệt tình là những năm 30, khi lúa từ 2,5 cắc xuống 1,8 cắc, vàng một lượng 25 đồng còn 18 đồng, gia tộc này càng vớ bẫm. Biết bao người phải sang bán, cầm cố đất đai cho Hội đồng Trạch. Ông Hội đồng có đến 90 tuần khạo chuyên đi thu lúa mướn, ông sắm máy bay cũng chỉ để đi kiểm tra tuần khạo. Ban công, sân thượng nhà ông không chỉ để hóng mát mà còn để phơi tiền. Phải chăng, chính cái gia sản kếch sù ấy là điều kiện tốt nhất cho con cháu ông ta mặc sức ăn chơi.

Tuy vậy, cội nguồn gia sản của Hội đồng Trạch không phải do bóc lột tá điền như người ta vẫn nghĩ. Hóa ra, gia sản ông Hội đồng vẫn không bằng một lai nào khi so với cha vợ của mình là Bá hộ Bì. Ông Bá hộ Bì có đến 7 vợ và trên 10 chiếc ghe chài – một gia sản lớn lao vào lúc bấy giờ. Hồi môn của các cô con gái đủ để người ta khỏi phải bươn chải kiếm sống thêm. Thế nhưng, các ông con rể của Bá hộ Bì thấy đồng tiền sao kiếm dễ quá nên cứ lao vào hút sách, bài bạc đến độ cầm cố lần hồi. Riêng ông con rể Trần Trinh Trạch không chỉ biết hưởng mà còn làm cho của hồi môn bên vợ sinh sôi, nảy nở. Các anh em cột chèo thua bài, thua bạc đều phải cầm cố ruộng vườn, ghe chài cho vợ chồng Hội đồng Trạch. Theo trí nhớ của con cháu trong dòng tộc thì ông Hội có đến 69 ngàn mẫu ruộng, trên 10 sở muối, toàn bộ hai dãy phố lầu ở Bạc Liêu, một dãy phố lầu ở đường Gia Long, Sài Gòn cũ. Riêng dãy bunggalo mà trước là nhà cầm đồ kế chợ Nhà lồng cộng với hãng rượu ven sông Bạc Liêu là gia sản của các con rể Bá hộ Bì cầm cố. Và cũng chính Hội đồng Trạch là một trong 4 đại gia thời bấy giờ cùng sáng lập ra Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín. Và cũng chính ông Hội đồng đã luôn có mặt trong những thương vụ bàn bạc chuyện xuất cảng lúa gạo cỡ bự của miền Nam thời bấy giờ.

Nhưng quả là Ông Trời có luật bù trừ, gia sản nứt đố, đổ vách chớ nào mấy người được hưởng. Giàu cỡ đó, mua gan Rồng còn được vậy mà hễ bà Hội đồng Trạch đụng tới một miếng thịt, một cái đùi gà là ói ra mật xanh, mật vàng. Tư niên, mãn mùa bà chỉ ăn cơm với cá kho quẹt thật mặn hoặc ba khía. Cánh tuần khạo, người ăn, kẻ ở cho gia tộc này lén lút truyền miệng rằng bà Hội đồng là thần tài giữ của cho gia tộc Trần Trinh.

Ông Hội đồng Trạch mất năm 1942 tại Sài Gòn vì bệnh suyễn. Lúc đó, Cậu Tám bò – Trần Trinh Khương sống bên Pháp đã về Việt Nam. Không có tiếng chơi ngông bằng ông anh Ba Huy, nhưng để “xứng mặt” gia tộc, Cậu Tám cũng đã nghĩ đến một chiêu khoe mẽ độc đáo. Một chiếc Chevollet được điều đến và xác ông Hội đồng được đeo kiếng đen đặt ngồi ngay ngắn trong xe. Khi về đến địa phận Bạc Liêu, tá điền hai bên đường cứ cúi đầu cung kính vì ngỡ... ông Hội đồng đi thăm ruộng. Đến khi gia tộc phát tang mọi người mới bật ngửa. Đến nay, thời gian qua đi khá lâu nên dân cố cựu Bạc Liêu không còn nhớ rõ chi tiết. Người thì bảo linh cữu ông Hội đồng quàn 1 tháng, kẻ thì bảo 7 ngày. Nhưng ai cũng nhớ, người đi đưa đám đông vô số kể. Khúc đầu đoàn người đưa tiễn về đến Cái Dầy, Vĩnh Lợi khúc đuôi vẫn còn loanh quanh trong khu phố cổ. Tá điền các nơi về la liệt ăn nhậu thỏa thích bảy ngày, bảy đêm.

Nhưng đám ma ông Hội đồng thấy vậy vẫn không danh tiếng bằng đám ma bà Hội đồng 5 năm sau đó. Chuyện thì hơi dài dòng, nhưng là vầy. Sau khi ông Hội đồng mất, thấy cảnh nhà trống vắng, đơn chiếc, bà Hội đồng qua Pháp ở với cô cháu gái tên là Hai Lưỡng. Cô Hai Lưỡng chính là con gái lớn của Trần Trinh Huy. Cô Hai này trước là vợ một viên quan cận thần của vua Bảo Đại nhưng sau ly dị rồi qua Pháp làm vợ một ông thị trưởng. Chẳng may, thưởng ngoạn cảnh hoa lệ phố phường Ba Lê không bao lâu bà Hội đồng qua đời. Và theo những người còn lại trong gia tộc, viên thị trưởng nọ đã đặt một quan tài có nắp bằng kính để tỏ lòng hiếu thảo với bà ngoại vợ và còm măng hẳn một chiếc phi cơ chở quan tài về Việt Nam (!). Tiềng đồn còn nhanh hơn tốc độ phi cơ. Khi đưa được quan tài về khu mộ gia ở Cái Dầy thì dân Lục tỉnh đã đổ xô về vô kể. Họ muốn lần đầu tiên nhìn thấy một quan tài bằng kiếng. Và khuôn mặt bà Hội đồng đã được dồi phấn rực rỡ hiển hiện sau khung kính quan tài càng làm cho dòng người đổ về thêm đông.

Chợt ông Khánh trầm giọng bảo: “Phải hồi đó, các cậu tui nghe lời ông thầy phong thủy giờ đâu đến nỗi”. Hoá ra, lúc chọn đất để chôn cất, gia tộc có rước về một ông thầy phong thủy nghe đâu danh tiếng nhất xứ Sài Gòn Chợ Lớn. Nhìn trước, nhìn sau, bấm quẻ thế nào ông thầy phán một câu: “Tiếng ông Hội đồng đất đai lớn vậy nhưng không có chỗ chôn. Không cải số được. Phải chịch qua vài tầm ngay miếng đất hàm rồng, ráng nói khó với người ta để xin cho mình một công đất làm mộ gia. Còn hổng tin tui, tui kỳ hẹn nội trong vòng 10 năm đổ lại không tán gia bại sản tui không làm người”. Dĩ nhiên, nghe thì nghe vậy nhưng trong gia tộc lại bàn tán xôn xao rằng chẳng lẽ điền đất cỡ đó lại phải xin thiên hạ một thẻo đất để chôn, tiếng tăm đồn đãi đến bao giờ mới hết. Vả lại, gia sản cỡ đó có nằm mơ cũng xài không hết, rồi lãi mẹ đẻ lãi con nói chi đến chuyện tán gia bại sản. Ngay cả chuyện ông Ngô Đình Cẩn từ Miền Trung đánh tiếng vào mua lại một chiếc sập gụ với giá... một triệu bạc các công tử còn không buồn trả lời, huống chi. Vậy là, các cậu công tử cho một chiếc xe đưa lão thầy phong thuỷ về Chợ Lớn sớm cho... khuất mắt. Ngay sau đó, một khu mộ gia sừng sững mọc lên. Cả hai phần mộ của ông bà Hội đồng lót bằng đá hoa cương, bệ thờ và hai sư tử có cánh chầu hai bên đều bằng cẩm thạch. Mọi vật liệu đều được chở từ bên Pháp qua. Lúc đó, có lẽ con cháu ông Hội đồng đều không biết rằng khu lăng mộ uy nghi đó như là một dấu chấm hết cho một gia tộc lẫy lừng. Hiện nay, khu lăng mộ vẫn còn nguyên vẹn tại ngoại ô Bạc Liêu dọc theo quốc lộ 1A, người dân xứ Cái Dầy gọi chết tên khu vực này là Xứ Mộ Ông lớn.
 

BUI VAN DUNG

Super Moderator
GẮN KẾT
GÂY DỰNG
Vang danh Công tử Bạc Liêu

Có lẽ, tất cả những chuyện bi hài lẫn giai thoại xung quanh gia tộc Trần Trinh Trạch - người biết hết, mà biết rất tinh tường chỉ có ông cháu ngoại Phan Kim Khánh. Nhân vật đã được ăn theo “cậu ba Huy” rất nhiều năm tại đất Sài Gòn. Giờ đây, ông đang sống hết sức bình lặng, kín đáo với chức phận một cán sự y tế bên con kênh Cầu Sập. Nhưng những ký ức ngày ấy vẫn cứ dày vò tâm trí ông. Có lần, khi biết tôi đang đi “xác minh” những giai thoại về công tử Bạc Liêu và cả về ông ta, “công tử” Khánh đã đến nhà và hóm hỉnh nói nhỏ: “Nói thiệt với cô chứ tui mà bằng cái lai nào so với ổng. Nói tới Công tử Bạc Liêu là già trẻ lớn bé xứ này đều biết nói đến Cậu Ba Huy. Tui ăn chơi cỡ nào rốt cục muôn đời cũng chỉ là cái bóng của ổng thôi”.

Theo lời ông Khánh thì Hội đồng Trạch có 7 người con - 3 trai, 4 gái. Tên của những người con cũng được đặt hết sức bình dân: Hai Đinh, Ba Quy (Quy là rùa, sau này Cậu ba đi Tây chê cái tên quê mùa đã cải ra thành Huy), Tư Huệ, Năm Thu, Sáu Đông, Bảy Dầy, Tám Bò. Tiếc thay, không một ai chí thú làm ăn như cha của mình, hay chí ít như cái tên dân dã của mình. Cũng có thể, của cải gia sản đã nhiều đến mức họ không cần đụng đến một đầu ngón tay. Ba “công tử” phá tiền một người mỗi cách. “Cậu hai” Trần Trinh Đinh có rất nhiều vợ, miễn cậu thích cô nào, lập tức sắm nhà cho. “Cậu hai” chỉ có một lần làm ăn duy nhất là lập nhà máy xay lúa Hậu Giang, lớn nhất lục tỉnh bấy giờ - cũng lại là nhất. “Cậu tám” Trần Trinh Khương qua Pháp học rồi lấy vợ đầm ở luôn bên đó. Hàng năm, “cậu tám” chẳng làm gì chỉ đợi lãnh “măng đa” bên này gởi qua.

Nhưng cái nết chơi bời mà sau này được mệnh danh là Công tử Bạc Liêu chỉ có “Cậu ba” Trần Trinh Huy mới đáng kể. Danh thiếp “cậu ba” chỉ để vắn tắt - “Trần Trinh Huy - propiétaire foncier Bac Lieu”. Với gia sản kếch sù của cha để lại “cậu Ba” đã “đầu tư” vào những gì ngông nghênh nhất. Chính “cậu Ba” đã thuyết phục cha mua máy bay đi thăm ruộng. Trong một lúc ngà ngà “Cậu” nói: “Toa sắm máy bay đi thăm ruộng còn có ích hơn Bảo Đại sắm máy bay lên Ban mê thuột chơi bời (!)”. Cũng cần nói thêm, sau này, chỉ có thêm chủ đồn điền cao su lớn nhất nước là SIPH và Terres Rouges sắm máy bay để đi phát lương cho công nhân. Nhà “cậu ba” có sân bay hẳn hoi ở Trà Nho, Vĩnh Châu. Một chi tiết ít ai đề cập đến lại là việc “cậu ba” sắm chiếc ca-nô có thể lướt trên cỏ, trên mặt sình. “Cậu ba” đi thăm ruộng phải đi trên chiếc xe hơi Chevollet kéo chiếc ca-nô phía sau. Mà thật ra, không phải những đại điền chủ khác không đủ sức mua. Chỉ có một điều, đất đai mênh mông, không bị chia khoảnh cỡ Hội đồng Trạch mới có đường cho ca-nô chạy mà thôi.

Thật ra, “cậu ba” chỉ biết nói và nghe tiếng Pháp chứ không rành viết. “Cậu” có hẳn một thư ký Tây trong nhà, chỉ để đọc và phúc đáp thư bạn bè. “Cậu ba” sống hẳn theo kiểu Tây, mở phòng nhạc kiểu Tây để tập trung các cô đào hát danh tiếng - giai thoại đốt tiền khoe mẽ với người đẹp phải chăng bắt đầu từ đây. Riêng đầu bếp Tây thì “cậu Ba” thay như thay áo. “Cậu Ba” không hút thuốc phiện như cha nhưng về khoản cờ bạc thì không kém. Chỉ có điều, ông Trần Trinh Trạch nhờ đánh bài mà thu gom đất điền. Riêng “cậu Ba” lại là một miếng mồi ngon cho các tay cờ bạc bịp ở Chợ Lớn. Không hẳn “cậu Ba” không biết, phải chăng cậu chấp nhận và cho rằng, phải tiêu tốn một phần gia sản mới xứng mặt là dân sành điệu. Thuở đó, “cậu Ba” chỉ vào chơi bời ở Continental, Majestic, vào cercle đánh một cây bài đôi ba chục ngàn là chuyện thường - lúa lúc ấy 7 cắc một giạ. Rồi có lúc đang đi dạo chơi bằng máy bay, “cậu Ba” giành lái với viên phi công Pháp và lạc qua tận không phận Thái Lan. Đợt đó, ông Hội đồng Trạch phải điều mấy đoàn xà lan, chở 200 ngàn giạ lúa qua Thái chuộc “quý tử” về.

Khi cha mất, “cậu Ba” còn thả sức ăn chơi hơn nữa. Nguyên dãy phố Gia Long cũ, có đến 94% nhà của ông Hội đồng nhưng đã “được” “cậu Ba” nướng sạch vào các món ăn chơi. Trong giới nghệ sĩ hồi đó, “cậu ba” khoái nhất “tiếng hát á phiện” Thanh Thúy. Tuần nào, “cậu ba” cũng đi nhảy đầm với người đẹp, mỗi lúc “cậu” đến, các cô cave tha hồ mừng, bởi lẽ cậu “bo” mỗi cave không dưới 20 tickê.

Nhưng cũng giống như cha mình, ăn chơi thế nào cũng không thể quên được cái gốc gác miệt vườn. Ngay cả thời gian đã sông ở Sài thành hoa lệ, tháng nào cũng mướn dàn nhạc sống về nhà, mở tiệc Tây liên miên để lấy le với mấy người đẹp, “công tử Bạc Liêu” cũng chỉ khoái về quê để được... ăn ba khía. Ông Khánh cười tủm tỉm bảo với tôi: “Cậu ba tui mướn Tây nấu ăn để giựt le, để có cảm giác sai khiến dân Tây cho sướng đời chớ ổng ham hố gì ba cái bánh lạt, bơ lẽo đó cô. Mà tui nói thiệt cô nghe chơi nghen, ổng lấy vợ Tây cho vui vậy chớ có thấy ổng bả ở chung được mấy ngày... (!)”. Người vợ nhỏ mà Trần Trinh Huy quý nhất lại là một cô gái con nhà bình dân ở Sài Gòn. Ông Khánh kể: “Hồi đó, Cậu Ba tôi ở Sài Gòn còn bả đang bán bánh mì ở đường Gia Long mới 17 tuổi. Mợ Ba tui hồi con gái đẹp lắm. Mà hổng đẹp Cậu Ba đâu có bỏ ra 50 ngàn đồng bạc Đông dương để mua”. Riêng vợ lớn của công tử Bạc Liêu là bà Ngô Thị Đen, con ông Hội Đồng Điều - cũng là một đại địa chủ thời bấy giờ. Bà này hay coi sóc chuyện làm ăn ở Bạc Liêu.

Đa số con cháu của gia tộc Trần Trinh còn sống đều ở nước ngoài. Một số làm kỹ sư, thông phán nhưng cuộc sống chỉ ở mức bình thường. Hiện chỉ có cháu ngoại của “cậu hai” Trần Trinh Đinh đang sống tại 121, Nguyễn Du. Riêng người vợ sau cùng của “cậu ba” - Công tử Bạc Liêu, hiện đang làm chủ một nhà hàng nổi tiếng ở Vũng Tàu. Trong hàng con cháu gần nhất của Công tử Bạc Liêu còn sống tại Bạc Liêu, có lẽ chỉ còn ông Phan Kim Khánh - cháu kêu Công tử Bạc Liêu bằng cậu ruột. Mẹ ông Khánh là bà Trần Thị Đông, con gái thứ sáu của Hội đồng Trạch. Thật lạ, ông Khánh hầu như thừa hưởng toàn bộ cái gen ăn chơi của người cậu ruột. “Công tử” Khánh bảo với tôi rằng, trong gia tộc có quy định, tất cả các nhà nghỉ mát của ông Hội đồng ở Sài Gòn, Đà Lạt, Vũng Tàu con cháu đều được đến ăn ở thoải mái. Kẹt tiền xài đã có quản gia tại đó đưa, chỉ cần ký sổ để cuối năm trừ vào hoa lợi hoặc gia sản hưởng riêng. Thế nên vị “công tử” cuối cùng này mặc sức ăn chơi thỏa thích. Những năm đầu 70, vị “công tử” dân Tabert hẳn hoi nghe cha đi học cán sự y tế. Học đâu chẳng thấy, có điều mỗi tháng ông xài bứt 1 triệu bạc cho những cuộc vui thú ở Vũng Tàu, Đà Lạt. Ăn cơm tháng thường trực ở Arcancel. Cái nết phá tiền của “công tử” Khánh cũng không kém gì “cậu ba”. “Công tử” Khánh cho hay, ông Hội đồng Trạch có rất nhiều cổ vật quý. Ngoài chén bát xưa, đáng kể nhất là 5 cặp độc bình có chạm rồng năm móng bên ngoài. Quý đến nỗi, chính mấy ông Ba Tàu Chợ Lớn biết và điểm chỉ cho “công tử” Khánh “chôm” bán lấy tiền xài. “Công tử” Khánh đã bán hết 2 cặp, mỗi cặp đút túi 250 ngàn chơi (lúc đó, xe honda 67 cáu cạnh chỉ 33 ngàn một chiếc). Song, quý nhất có lẽ là bộ trường kỷ của ông Hội đồng. Sau khi ông Trần Trinh Trạch mất, ông Ngô Đình Cẩn đã đánh tiếng mua lại bộ ghế này với giá... 1 triệu đồng. Nhưng bà Bảy Dầy, con gái Hội đồng Trạch không chịu bán vì: “Bán thì mất tiếng tăm nhà mình”. (Mới đây, khi đến viếng chùa Chén Kiểu tại tỉnh Sóc Trăng - tôi lại nghe các sư cả chỉ vào hai cái trường kỷ mà quả quyết, đây là của công tử Bạc Liêu).

Dinh thự của Cộng tử Bạc Liêu

Điều đáng nói là, cha của “công tử” Khánh lại là một người đi theo cách mạng - ông Phan Kim Cân, đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng khu Tây Nam bộ. Ông Phan Kim Cân từng che giấu các nhà cách mạng Nguyễn An Ninh, Ngô Thị Huệ, Tạ Thu Thâu. Lục lại báo chí thời bấy giờ (những năm 60) thấy viết về ông Phạm Kim Cân như sau: “Đây là một tay công tử hào hiệp, trọng nghĩa, khinh tài, hạng bảnh về ăn xài... Đây là một Đơn Hùng Tín thưở loạn Tùy sang Đường, hay đem tiền của trợ cấp cho những anh hùng hào kiệt thất cơ lỡ vận”. Ông Tạ Kim, một nhà cách mạng lão thành ở Bạc Liêu nhớ lại, chính nhờ ông Phạm Kim Cân vận động nên “cậu ba” có gởi vào Khu rất nhiều thuốc men, tiền bạc (?).

Điều ông Khánh bận tâm nhất hiện nay vẫn là đồ cổ trong gia tộc. Ông bảo, cách đây ngót 25 năm, trong một lần lên Đà Lạt săn thú, lão gia quản lý biệt thự của gia tộc Hội đồng Trạch có cậy ông về hỏi Cậu Ba Huy, Cậu Hai Đinh về một cây kiếm cổ. Theo lão quản gia, cây kiếm đó là của “bà quốc mẫu” xứ Ba Lê tặng cho “quan 5 Trần Trinh Trạch”. Ông Khánh nheo nheo mắt bảo nhỏ – “bộn bạc đó cô” và ông tin là đồ cổ vẫn còn thất lạc đây đó khá nhiều.

Mới hôm qua đây thôi, khi về lại Bạc Liêu tôi đã cùng "Công tử Khánh" đi thăm những ông Tuần khạo cho ông Hội đồng Trạch năm xưa. Ông thì lãng tai, ông thì lẫn lộn. Tôi đã cố chắp nối, xâu chuỗi những sự kiện, những ký ức vỡ vụn ấy. Để rồi lại phải giật mình trước những sự thực cứ tưởng chừng như là giai thoại...

Năm tháng dần trôi qua. Gia tộc Trần Trinh với những chuyện thật đã dần đi vào quên lãng. Người ta chỉ còn nhắc đến chung chung một Hắc công tử, một Bạch công tử của xứ Lục tỉnh Nam kỳ. Ngôi nhà của Công tử Bạc Liêu năm xưa nay phủ đầy rong rêu hiện đang trầm mặc bên dòng sông nước lớn, nước ròng đỏ ngầu phù sa. Khu mộ gia nằm hoang vu giữa đồng khô nắng cháy, giữa cỏ và cỏ, ít ai ngó ngàng chăm sóc. Dân chúng thì bảo “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” khi nhắc đến gia tộc này. Tất cả đã trở thành quá khứ. Phiếm bàn một chút cũng chỉ để nhớ về chuyện xưa.


H.H (Trích từ tác phẩm Dấu xưa Nam bộ - NVX Văn Nghệ 2006)
Nguồn phiem-dam.com
 

hanhpn

Hạnh Phúc Nhất
GẮN KẾT
GÂY DỰNG
Nên đọc cuốn "cha giàu cha ngèo" (nguyên bản tiếng Anh hình như là Rich Dad, Poor Dad) để khuyên con cái nên sử dụng tiền của cha mẹ thế nào.
 

Bài viết cần bạn xem thêm

Xin chào mọi người!

Để tránh làm loãng về quyết định đóng cửa HHVN. Tôi mở thớt này trong khu vực cafe để chia sẻ với mọi người trong việc đóng cửa HHVN.

Nhìn lại chặng đường đã đi, khá lâu - 20 năm, thực sự khi ở giai đoạn 2012-2015 là giai đoạn t ...
Top