Từ ngày đầu tiên xe Honda Civic xuất hiện ở Việt Nam đến giờ tai nạn xảy ra khá nhiều, không riêng gì Honda Civic mà các hiệu xe khác cũng vậy nhưng bởi ít được đăng báo nên chúng ta tưởng là ít nhưng thực tế cũng tương đương nhau. Theo cá nhân tôi, những tai nạn do các lỗi sơ đẳng không đáng có ở trên hoàn toàn do tài xế mà ra chứ chẳng phải do lỗi kỹ thuật của xe (cũng có thể là có nhưng tỷ lệ này rất ít).
Bây giờ muốn lấy bằng lái xe thật quá dễ dàng, "tài xế tương lai" chỉ cần thuê xe tập mươi tiếng, đi thi thì đã có người lo không bằng cách này thì cách khác cũng đậu, lấy được bằng lái xong mua xe về lái với suy nghỉ rồi "nghề dạy nghề". Chính bản thân tài xế gần như rất mơ hồ về luật giao thông, xử lý tình huống chưa đạt mức quán tính, chân thắng chân ga còn chưa xác định nó nằm ở vị trí nào thì tai nạn xảy ra là chuyện đương nhiên, không sớm thì muộn chỉ còn là vấn đề thời gian. Bên cấp bằng thì cứ cấp với ý nghĩ nếu có tai nạn xảy ra thì tài xế chịu trách nhiệm chứ nơi cấp chẳng liên quan gì?
Ngày xưa thời bao cấp lúc ấy dân thường không được sở hữu ô tô riêng, không có trường dạy lái xe tư nhân, không có các áp phe lo lót bảo đảm thi đậu. Muốn trở thành tài xế phải do cơ quan cử đi học, khả năng học tập bản thân phải hoàn toàn tự nỗ lực chứ chẳng ai có thể lo cho ai bởi thế nên tài xế ngày ấy rất có giá, thời bấy giờ lương tài xế cũng khá cao lại còn kiếm thêm chút chút nếu đi xa nên cuộc sống rất ổn. Ngày nay thì "tài xế" đông như quân nguyên nhưng về chất lượng thật tình mà nói có kém hơn tài xế ngày xưa một chút. Cũng chẳng có gì quan trọng lắm đâu, chỉ cần tập trung thì mọi việc sẽ đâu vào đấy nhất là khi gặp tình huống bất ngờ đừng mất bình tĩnh là được.
Tôi xin kể vài chuyện về cách học thi lấy bằng lái xe ngày xưa, học viên phải học thuộc lòng luật giao thông và rành các biển báo giao thông (các biển thông thường và các biển đặc biệt), học cách mở cửa xe và lên xe ngồi vào ghế tài xế, tay cầm vô lăng như thế nào, tay phải cầm cần vô số, chân trái chân phải đặt ở vị trí nào. Tiếp đến tập lái và học về kỹ năng lái xe, đạo đức của người tài xế. Thi lý thuyết thì phải làm bài chứ không thi trắc nghiệm như ngày nay. Thi thực hành khi được kêu tên huấn luyện viên cứ nhìn chằm chằm xem mình mở cửa xe lên ngồi vào ghế ra sao? Chỉnh ghế ngồi, kính chiếu hậu sau? Cứ thấy HLV hơi nhíu mày là trong bụng đã bắt đầu lo.
Đến ngày đi thi thì gần như anh nào cũng đều mất ăn mất ngủ vì lo lắm, khả năng thi rớt là rất cao bởi những lỗi xử lý tình huống. Ví vụ như đi ngang bệnh viện chỗ đông người huấn luyện viên ra lệnh tài xế bóp còi để người đi đường chú ý tránh, học viên lúng túng nghe lời bấm còi thế là rớt với lý do "Khu vực bệnh viện cấm bóp còi". Một trường hợp khác chạy xe ở vùng quê, ngày ấy đường hương lộ thì nhỏ bề ngang chỉ bằng chiều dài 2 thân xe, hai bên đường đều là rừng tre dài mấy cây số chẳng thấy ngã ba, ngã tư nào? Huấn luyện viên ra lệnh quay đầu xe với 3 lái (có nghĩa là sử dụng vô lăng 3 lần phải quay đầu xe lại được) có khối anh rớt ở chỗ này. Còn rất... rất nhiều tình huống khác nữa nên ai thi đậu đều về nhà giết gà đãi bạn bè ăn mừng.
Ngày xưa học lái xe còn có cả các câu vần điệu cho dễ nhớ nữa chứ, ví vụ như xe sắp băng ngang ngã tư thì phải "liếc bên trái, nhìn bên phải", lúc ôm cua thì "đi ôm lưng về ôm bụng" v..v...
Góp vài lời cùng topic này, nếu nói kỹ thì cả ngày chưa hết

Cá nhân tôi đôi lúc cũng cảm thấy hãnh diện với trên 30 năm lái xe chưa gây tai nạn nào (va quẹt thì có, làm sao tránh khỏi). Hiện giờ thì tạm thời buông tay lái rồi bởi biết mình xử lý không còn nhạy bén như ngày xưa.