Bài này em đọc đã lâu bên tinhte. Nay Quote sang đây để anh em ta cùng lạm bàn tiếp xem sao.
Đây là nguyên văn:
Đây là nguyên văn:
Sau khi đọc loạt bài We Miss Sony trên Gizmodo, mình cảm thấy rất đồng cảm với họ. Cũng như các biên tập viên Gizmodo, hầu hết các biên tập viên của Tinh Tế đều yêu thích thương hiệu Sony và mong muốn nó phát triển hơn nữa. Hy vọng sau khi bị các trang tin công nghệ trên thế giới “giúp đỡ”, Sony sẽ phần nào nhận ra và kịp thời sửa chữa những sai sót của mình.
Trong bài viết này, mình sẽ chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của Sony (chỉ nói trong lĩnh vực điện tử chứ không nói về nhạc, phim hay công ty tài chính...). Tất nhiên, nó là ý kiến cá nhân, không phải là ý kiến của toàn thể BTV tinhte.com. Bài viết này nhằm chỉ ra những sai lầm của Sony nên sẽ hơi tiêu cực một chút. Hy vọng sẽ nằm ở bài viết sau trong loạt bài này. Bài viết có sử dụng và tham khảo thông tin từ các nguồn khác, đặc biệt là Gizmodo.
Độc quyền, sử dụng các chuẩn riêng:
Bất cứ ai dùng các máy Sony cũng biết rằng họ buộc phải bỏ thêm nhiều tiền để mua các phụ kiện, linh kiện cho thiết bị của mình để rồi không thể sử dụng cho các hãng khác. Sony coi đây như là một sợi dây trói vô hình để buộc chân người dùng lại với thương hiệu này. Có thể về ngắn hạn, chiến lược này sẽ hoạt động hiệu quả nhưng về lâu về dài, nó đã gây nên những tổn thất cực lớn cho tập đoàn.
Đã bao nhiều lần bạn muốn mua một thiết bị Sony nhưng lại ngại đi đâu cũng phải xách theo “một đống” dây nhợ loằng ngoằng vì không dùng chung được với ai hết? Hay cả những định dạng thẻ nhớ độc quyền mà không một công ty nào muốn chơi chung như Memory Stick. Chẳng lẽ mỗi lần chụp hình xong muốn chép vào máy tính lại phải mang theo đầu đọc thẻ hay mua một máy VAIO có sẵn đầu Memory Stick à? Vậy thì thà khỏi mua cho xong, mua của những hãng khác tiện hơn nhiều (không nói về mặt chất lượng).
![]()
Memory Stick-"kẻ thù" của người dùng Sony
Chắc chắn sẽ có nhiều người phản biện tại sao Apple dùng hàng loạt chuẩn riêng mà nó vẫn sống khỏe đó? Nhưng Apple là Apple, Apple không phải là Sony của hiện tại mà là Sony của quá khứ. Giống như Apple hiện giờ, vị thế của Sony ngày xưa cho phép họ làm thế nhưng giờ nó đã mất, Sony buộc phải nhập cuộc chơi với hàng loạt tập đoàn khác nếu không muốn bị đào thải. Sản phẩm vẫn phải tạo sự khác biệt để cạnh tranh nhưng không được làm người dùng khó chịu với những thứ nhỏ nhặt như thế.
Nếu không phải do Sony phát triển và đỡ đầu thì định dạng Memory Stick chắc chắn đã bị loại bỏ từ lâu. Hãy nhìn vào hàng loạt thẻ cùng thời với nó như MMC hay SmartMedia bị dừng phát triển, rồi thậm chí là xD Picture card ra đời sau này cũng chỉ sống thoi thóp trong một vài thiết bị của Olympus và Fujifilm thôi. Hơn ai hết, chính sức mạnh của Sony mới giúp Memory Stick sống lâu đến thế, nhưng họ lại không dùng nó vào việc giúp khách hàng thoải mái hơn mà lại để nó phung phí như thế này.
Việc dùng chuẩn riêng để trói chân khách hàng chỉ là điểm phụ trong chiến lược của Sony, điểm chính là họ muốn thu được nhiều lợi nhuận hơn thông qua việc bán các phát minh hoặc tự mình sản xuất nó. Việc phát triển thành công đĩa CD (cùng với Philips), đĩa mềm 3,5 inch hàng loạt các định dạng khác đã giúp Sony thu được những khoản lợi nhuận khổng lồ nhưng nó cũng đồng thời làm cho công ty này mờ mắt và đi theo một con đường sai lầm. Họ đã từng thất bại với băng video Betamax khi một mình một ngựa chống lại VHS của các công ty khác nhưng vẫn chưa chịu thay đổi. Khi Bluray và HD-DVD ra đời , chính Sony đã góp phần lớn vào việc chiến thắng của Bluray nhưng lần này, tất cả các bên tham chiến đều bị thiệt hại nặng nề. Sự bảo thủ của họ đã làm khách hàng mất lòng tin và cảm thấy thích thú hơn với việc tải dữ liệu trên mạng.
![]()
Đĩa CD đầu tiên trên thế giới
Tự phát triển định dạng không phải là xấu mà trái lại, nó còn làm tăng danh tiếng và lợi nhuận của công ty. Có một số công ty cứ thấy có liên mình nào mới cũng tham gia rồi cố gắng tạo ra những sản phẩm nhanh nhất để quảng cáo rằng mình là người nắm giữ công nghệ của thế giới! Sony không như vậy, họ là người tạo ra công nghệ nhưng lại sai lầm khi cố gắng nắm giữ nó, cố gắng điều khiển không cho bất kỳ ai tham gia. Hãy biết chia sẻ, chia sẽ để thành công.
Quá nhiều thiết bị, quá ôm đồm:
Rối, đó chính là từ duy nhất người ta nghĩ đến Sony vào thời điểm này. Họ đã tham dự vào quá nhiều các lĩnh vực khác nhau để rồi trở thành một nồi lẩu thập cẩm. Thành thực mà nói, hầu như ở bất cứ lĩnh vực nào có mặt, Sony đều để lại dấu ấn khá đậm nét nhưng thành công thì không nhiều như ngày xưa. Nhìn thử vào thương hiệu TV Bravia của tập đoàn này xem, họ có tới 11 dòng sản phẩm khác nhau! Hay các máy tính xách tay VAIO, có 9 dòng! Ai cần tới con số đó? Khách hàng bị đưa vào một ma trận các thông số kỹ thuật và cảm thấy quá choáng ngợp. Họ tìm đến một công ty khác có những lựa chọn đơn giản hơn.
Chiếc lược đa dạng hóa sản phẩm là tốt nhưng Sony lại tiếp tục thực hiện nó một cách sai lầm. Họ quên mất 2 bài học cơ bản của marketing: “Có quá nhiều lựa chọn sẽ làm giảm sức mạnh của thương hiệu” và “bắt khách hàng phải so sánh các sản phẩm sẽ dẫn đến hậu quả khó lường” mà chỉ phần nào nhớ được bài học thứ 3: “đối với khách hàng, nhiều lựa chọn hơn đồng nghĩa với với chất lượng tốt hơn”. Sony không biết cách kết hợp cả 3 bài học này lại.![]()
Quá nhiều lựa chọn là không tốt!
Trong bài viết này, mình sẽ nhiều lần nhắc đến Apple, không phải là vì mình thích thương hiệu này mà là nó là điển hình cho cách làm đúng đắn ở thời điểm hiện tại. Apple đơn giản tối đa các sản phẩm của mình, khách hàng chỉ cần nhìn vào đó là biết cái mình cần chứ không nhất thiết phải ngồi so sánh hàng chục sản phẩm khác nhau trong khi vẫn được lựa chọn theo ý mình. Ví dụ như MacBook Pro, họ có thể chọn theo 3 kích cỡ màn hình, rồi từ đó chọn cấu hình phù hợp với nhu cầu của mình. Tất cả chỉ có vậy.
Còn Sony, làm sao để chọn trong 1 loạt máy VAIO đây? Đúng là cái nào cũng đẹp, cũng độc đáo thật nhưng lại quá nhức đầu và rối rắm. Ngay cả những nhân viên bán hàng cũng cảm thấy bối rối chứ đừng nói đến khách hàng.
HP, Samsung, LG... có thể thành công với cách đa dạng hóa sản phẩm, đó là bởi vì họ không nhắm vào thị trường cao cấp như Sony. Thị trường chính của các công ty này là bình dân và trung cấp. Còn khi đã khoác cái mác cao cấp lên người, Sony buộc phải đơn giản hóa tất cả.
Mặt khác, việc chia nhỏ các sản phẩm càng làm giảm sự cạnh tranh của thương hiệu. Khi bạn tạo ra 3 sản phẩm, mỗi sản phẩm được sản xuất 1 triệu chiếc thì tất nhiên là giá sẽ rẻ hơn rất nhiều so với 30 sản phẩm nhưng mỗi cái chỉ 10.000 chiếc. Apple làm được điều này, đó chính là lý do họ lời “khủng khiếp” như vậy trong khi Sony lại lỗ hoặc lời rất ít trong thời gian gần đây.
Thêm vào đó, việc chia nhỏ các sản phẩm làm cho bộ phận tiếp thị, bán hàng phải căng sức ra để bao quát tất cả. Hậu quả là một sản phẩm dù tốt đến đâu cũng chỉ được nói sơ qua để dành chỗ cho các máy khác. Sony nên học câu tục ngữ của Việt Nam: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” thay vì cứ trải mình ra cạnh tranh với hàng loạt thương hiệu khác nhau.
Cuối cùng, đôi khi chính Sony cũng không tin vào những gì mình bán ra. Họ đã có tầm nhìn tốt với sách điện tử khi tung nó ra trước hàng năm trời trước khi Amazon Kindle ra đời. Vậy mà lại sợ hãi, không dám tin vào nó để rồi thiếu kiên quyết trong quảng cáo và chỉ dám phát hành tại Nhật. Kết quả cuối cùng thế nào thì ai cũng biết. Sony chỉ bán được đúng 50.000 máy trước khi Kindle ra đời. Nếu Sony biết tập trung vào thì họ đâu có bỏ lỡ cơ hội này, đâu có phải tranh giành xâu xé khổ cực với các hãng nhỏ khác mà có thể đường hoàng ngồi thu tiền chung với Kindle!
![]()
Sony e-book reader
Ở tình trạng sai lầm hiện tại mà các sản phẩm Sony còn gây ấn tượng tốt như vậy đối với giới công nghệ thì nó sẽ còn tốt như thế nào nữa nếu họ tập trung nó lại? Hãy nhớ lấy Sony, thà làm ít nhưng lợi nhuận nhiều kiểu Apple còn hơn làm nhiều mà chẳng được bao nhiêu như một số công ty khác.