Bài toán người nhập cư
Hà Nội và TP.HCM, hai thành phố lớn nhất và quan trọng nhất của nước ta đang phải đối mặt với quá nhiều nan vấn đã tới mức "kinh hoàng": giao thông ùn tắc, đường ngập khi mưa, nhà ổ chuột và văn hóa đô thị xuống cấp quá nhiều so với "ngày xưa".
Hầu như khi bàn tới nguyên nhân và cách giải quyết, tất cả mọi người, từ người dân đến lãnh đạo đều nghĩ tới người nhập cư. Trong bản dự thảo (lần thứ ba) Luật Thủ đô vừa được công bố, TP Hà Nội dự tính ghi thành luật nhiều quy định nhằm hạn chế người nhập cư vào thủ đô như phải cư trú đủ 5 năm (luật cư trú hiện hành là 1 năm), phải có tiền lương cao gấp đôi lương tối thiểu mới được xem xét để thành người Hà Nội, phải có giấy phép mới được làm việc ở thủ đô...
Hiến pháp nước ta cho phép công dân có nhiều quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm, trong đó có ba cái quyền thiết thân nhất, có ý nghĩa nhân văn nhất với tất cả mọi người là quyền tự do cư trú, tự do đi lại và quyền có việc làm. Dùng những biện pháp vi hiến để chặn người nhập cư vào thành phố lớn là không thể chấp nhận được về pháp lý đã đành, mà còn về tình nghĩa với một dân tộc vốn coi nhau như bầu bí chung giàn và "người trong một nước phải thương nhau cùng", chia cơm sẻ áo.
Người nhập cư tràn vào Hà Nội và TP.HCM trong nhiều năm gần đây bắt nguồn từ nhiều phía. Nông thôn vùng châu thổ sông Hồng và miền Trung đất ít người đông luôn thiếu việc làm, xưa gọi là cảnh "nông nhàn". Sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, người nông dân có quyền được đổi đời, có quyền lao động để nâng cao mức sống vốn thấp nhất trong xã hội, nuôi con cái học hành, hưởng thụ nhu cầu văn hóa, tiện nghi v.v. Mọi con đường đổ về thành phố. Áp lực này là rất lớn trong đông đảo lớp trẻ nông thôn chiếm đến 70% dân số, những người làm chủ đất nước tương lai. Trong khi đó, sự nghiệp CNH, HĐH tạo ra sự bùng nổ đô thị hóa mạnh mẽ. Quá trình này giống như con tàu trên đường ray, cứ từng giờ lừ lừ đi tới mà không gì ngăn lại nổi.
Nguồn lao động, đặc biệt là lao động chân tay cho cơn lốc phát triển đô thị, lấy ở đâu nếu không từ nông thôn? Làn sóng nhập cư vào thành phố là tất yếu. Hà Nội, TP.HCM, các khu công nghiệp, đô thị cần, rất cần người nhập cư. Bài toán phải được giải trên cơ sở bình đẳng ấy. Coi người nhập cư chỉ là gánh nặng đơn thuần, chẳng những không giải quyết được vấn đề mà còn trái với quy luật kinh tế và tình cảm thông thường giữa người dân trong một nước.
Chắc chắn chúng ta, ít nhất cũng ở hai thành phố đang quá tải hiện nay là Hà Nội và TP.HCM, đã có những bước đô thị hóa không đúng quy luật nên mới để lại hậu quả nhiều bề ngày nay, không nên đổ vạ cho người nhập cư để che giấu chỗ yếu kém này. Mặt khác, để hạn chế tình trạng "nhân mãn" ở các đô thị lớn thì giải pháp tích cực và căn cơ nhất là phải có một chiến lược phát triển nông thôn, tạo công ăn việc làm và nâng cao đời sống văn hóa cho nông dân, để họ yên tâm "cày xới" trên mảnh đất mà họ sinh sống.
Không thể ghẻ lạnh, cấm đoán, thậm chí chịu vi hiến hay dùng chính sách hộ khẩu để hạn chế người nhập cư mà phải có một hệ thống chế tài để giải bài toán. Những người nhập cư không đủ điều kiện kỹ năng, thu nhập v.v. không sống nổi ở thành phố đắt đỏ với những quy định nghiêm nhặt về tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn về chỗ ở và ăn uống, đi lại sẽ tự nguyện về quê và ngược lại, thành phố sẽ tạo điều kiện sống tốt (việc làm, nhà cửa v.v.) cho những bộ phận cư dân nhập cư có kỹ năng và thật sự cần thiết cho phát triển.
Nguyễn Quang Thân