Chính xác nó là đoạn video của cái này:
Theo dấu cuộc di tản của đàn cá lớn nhất thế giới
Con cá mập đang xé lẻ đàn cá sardine.
(Vnexpress, 14/7/2004)
Đại dương sôi lên sùng sục. Hàng nghìn con cá sardine kinh hoàng rẽ nước vùn vụt lao đi trong cơn săn đuổi cuồng loạn của cá heo và cá mập. Liền đó là một cuộc tấn công trên không khi những con ó biển cắm phập thân mình xuống đám đông con mồi...
"Cuộc chạy trốn của cá sardine" là một trong những sự kiện hoành tráng nhất trên biển cả, diễn ra từ tháng 5 đến tháng 7 hằng năm dọc theo bờ biển phía đông Nam Phi. Không ai biết chính xác có bao nhiêu con tham gia trong những chuyến đi như vậy, nhưng người ta từng biết tới những thảm cá dài tới 15 km và rộng 4 km ôm lấy đường bờ biển dài hơn 1.000 cây số.
Song sardine không phải lúc nào cũng là tâm điểm chú ý trong cuộc rượt đuổi vĩ đại này. Bám sát chúng là hàng đàn hàng lũ những sinh vật săn mồi, với khoảng 20.000 cá heo, hàng nghìn con cá mập chuyên săn lùng cá voi, hải cẩu mũi Cape và hàng chục nghìn con ó biển.
Bất chấp sự đông đúc đến khó tin của biển cả, được chứng kiến một cuộc chạy trốn của cá sardine vẫn là một diễm phúc hiếm hoi. Và tôi (phóng viên Zoe Murphy của BBC) may mắn đã có mặt ở một khoảnh khắc cao trào đó.
Cuộc săn đuổi
Theo kinh nghiệm dân gian, cá sardine sẽ tới vùng biển này vào thời điểm cây lô hội nở hoa. Tuy nhiên, những người quản lý ở bờ đông mũi Cape đã có cách để xác định dễ dàng nơi xảy ra sự kiện đó.
Chuyến "đi săn" bắt đầu vào lúc ban mai khi chiếc máy bay do thám lùng sục dọc bờ biển Transkei để tìm kiếm dấu vết của những đàn ó chờ mồi hoặc dòng nước tối sẫm của bầy sardine. Sau cùng, viên phi công hướng cho hoa tiêu của tàu đi về chỗ có đàn cá. Con tàu đã sẵn sàng với các thiết bị lặn và dầu máy đủ để chạy nhiều giờ trên biển.
Vùng nước năng suất kém này giờ đây lúc nhúc toàn cá. Viên hoa tiêu hướng tàu về phía bắc, theo đường bay của bầy ó biển tới nơi có hàng trăm con cá heo, kiên nhẫn chờ chúng tôi lặn xuống. Dưới những ngọn sóng, âm thanh trở nên chói tai khi lũ cá heo lao đi vun vút, hòa với những tiếng nói chuyện dội âm không lẫn vào đâu của chúng. Trong vòng vài phút, 20 con cá mập săn cá heo đã xuất hiện. Những sinh vật tuyệt đẹp này thôi miên chúng tôi cho đến khi một "cô nàng" tò mò bơi thẳng tới một thợ lặn và ngoặt đuôi lao đi ở những giây cuối cùng.
Chúng tôi leo lên tàu, tim đập mạnh. “Hung thần biển cả” đã ở quá gần!
Bữa đại tiệc trên biển
Bẫy mồi được hình thành khi những con cá heo cuộn tròn lấy một đám đông sardine bằng những dòng bong bóng phun ra và che chắn không cho chúng vọt lên mặt biển. Bị đe đọa, những con sardine lướt thẳng hàng bên nhau, ngăn không cho kẻ thù tách chúng ra khỏi nhóm lớn. Những bẫy mồi như vậy tồn tại không lâu, hiếm khi duy trì được từ 10 đến 20 phút, bởi những kẻ đi săn sốt ruột đã lao thẳng vào bầy cá, đánh chén đến thỏa thích.
Và khi bầy cá yếu đuối bị dồn lên vùng nước nông, những con ó biển đang chờ chúng ở đó. Cảnh tượng hàng trăm con chim lao xuống như những làn đạn thật ngoạn mục. Chúng lăng mình từ độ cao gần 30 mét, va vào nước với tốc độ 90 km/giờ và lặn xuống sâu 10 mét hoặc hơn thế. Một hoặc hai phút sau, chúng vọt lên khỏi mặt nước, miệng ngậm sardine, trong khi biển phủ trắng những bọt cá heo, thấp thoáng các vây đuôi và vây lưng đang quẫy đập dữ dội.
Khi cuộc rượt đuổi kết thúc, những con chim biển no nê thỏa mãn lượn lờ trên mặt biển. Chúng buộc phải ợ ra một phần thức ăn mới đủ nhẹ để bay lên.
Những nghi vấn chưa có lời giải
Các nhà khoa học đến nay vẫn chưa có được lời giải cuối cùng cho hiện tượng trốn chạy của cá sardine. Sardine là sinh vật sống ở vùng nước lạnh, quần tụ ở bờ biển phía nam của Nam Phi. Loài cá này có tập tính di cư dọc theo bờ biển phía đông của lục địa. Các nhà nghiên cứu tin rằng hình dạng bờ và các dòng hải lưu là yếu tố quan trọng góp phần vào sự kiện đó của chúng.
- Mũi tên đỏ: dòng nước lạnh cung cấp nơi trú ẩn cho cá sardine.
- Mũi tên xanh: dòng hải lưu Agulhas
- Mũi tên đỏ đứt đoạn: trứng và ấu trùng cá dạt lên phía bắc
- Mũi tên xanh đứt đoạn: cá non di cư về phía nam.
Khi mùa đông đến, một dải nước lạnh từ phía nam chạy vòng lên trên, thâm nhập vào dòng hải lưu ấm Agulhas đang từ trên chảy xuống. Việc mở rộng vùng nước lạnh cho phép sardine mở rộng vùng phân bố về phía đông.
Tuy nhiên, còn rất nhiều câu hỏi chưa có lời giải quanh hiện tượng này. “Tôi thực sự không hiểu tại sao chúng làm thế" - nhà khoa học nghiên cứu về biển và cá mập Andrew Aitken thừa nhận, "Đó không phải là một cuộc di cư theo đúng nghĩa vì sardine không bơi đi nhằm mục đích sinh sản hoặc kiếm ăn. Còn có bằng chứng cho thấy một vài con đã quay trở về phía nam vào cuối năm. Dường như một vài nhân tố nào đó ngoài nhiệt độ nước đã khơi mào cho chuyến vượt biển dọc theo vùng bờ phía đông của chúng”.
Cá sardine biến mất vào biển sâu cũng đột ngột như khi xuất hiện, để lại đằng sau những nghi vấn lớn về lối sống bí ẩn của chúng. Một nghiên cứu thực sự về loài cá này sẽ bắt đầu trong năm nay, và người ta hy vọng nó sẽ làm sáng tỏ nhiều điều còn chưa rõ.