Nguyên thủy câu này là ăn Bắc mặc Kinh, cái biến thể của nó "ăn Bắc mặc Nam" chỉ có về sau này mà thôi, và tôi không nghĩ câu này là hoàn toàn chính xác.
Đang buồn buồn viết một chút về cái này.
Ăn Bắc khá rõ ràng, tôi không bàn đến nữa, chỉ nói nhiều về "mặc Nam".
Khái niệm "miền Nam" ra đời từ khi nào? Từ khi Nguyễn Hoàng dẫn đầu đoàn người khai phá đất hoang vào Đàng Trong đặt nền móng cho sự khởi đầu của Nguyễn. Từ thời điểm đó cho tới khi Nguyễn Ánh lên ngôi năm 1802, Đàng Trong xét về mặt văn hóa và kinh tế thì thua kém Đàng Ngoài khá xa. lúc ấy những Gia Định Đồng Nai còn hoang sơ lắm, câu "ăn Bắc mặc Nam" không thể nào ra đời vào thời điểm này được.
Sau khi Gia Long lập ra nhà Nguyễn, chuyển kinh đô vào Huế, miền Bắc bắt đầu đi vào chỗ suy tàn. Ngược lại Huế và các tỉnh miền Nam bắt đầu chuyển mình thay đổi, Huế với tư cách là kinh đô, còn các tỉnh miền Nam bắt đầu có được sự chú trọng của triều đình, đặc biệt là với việc phát triển nông nghiệp, giao thông, thủy lợi (Thoại Ngọc hầu đào kênh Thoại Hà - Vĩnh Tế vào khoảng năm 1820). Tuy nhiên lúc này tôi nghĩ câu "mặc Nam" cũng chưa trở thành một thực tế. Vì sao, vì văn hóa của chúng ta ít những biến đổi và phá cách, nhất là trong chuyện ăn mặc, nên miền Nam với cái nền lịch sử ấy khó mà có những đột phá để trở thành một "trung tâm thời trang" kiểu như Milano vào thời điểm đó. Con người miền Nam khi đó còn phải ngược xuôi với những công trình khai phá, với mùa màng và nhiều lo toan khác.
Mọi sự có lẽ đã bắt đầu từ năm 1858, khi Pháp xâm lược nước ta, và nhất là sau khi hòa ước Patenôtre được ký kết năm 1885, triều đình nhà Nguyễn nhượng sáu tỉnh miền Đông cho Pháp. Sự du nhập của văn minh phương Tây đã làm miền Nam hoàn toàn thay da đổi thịt, trong đó có một điểm mà chúng ta đang bàn đến, đó là tông ăn mặc. Nếu ai xem L'Amant (Người tình, Lương Gia Huy, Jane March, phỏng theo tiểu thuyết của Duras) lấy bối cảnh miền Nam năm 1929, sẽ thấy cái duyên dáng trong trang phục của thời bấy giờ. Câu "ăn Bắc mặc Nam" hẳn phải ra đời vào lúc này.
Đến những năm chiến tranh thì chẳng còn ăn Bắc mặc Nam nữa, đành rồi. Những năm phân chia Nam Bắc thì lúc ấy ăn Nam mà mặc cũng Nam, Bắc còn gì ngoài bom đạn mà ăn với mặc. Những năm gần đây, mọi sự mới bắt đầu trở lại với miền Bắc, còn miền Nam tôi không rõ đã phát triển theo hướng nào - ai là người Nam bổ sung cho tôi điểm này nhé.
Viết dài dòng như vậy để làm rõ một điều: cái ăn của miền Bắc nó có tính tự nhiên và lịch sử lâu dài, còn cái mặc của miền Nam nó là một sự du nhập, và vì thế sâu trong dòng máu của con người, cái bản sắc ấy nó không đậm nét ngang với ẩm thực miền Bắc được. Nguyên Sa chẳng đã viết câu "Nắng Sài Gòn em đi mà chợt mát, bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông" đấy sao - một sự quy chiếu trở lại miền Bắc? Tôi đồng ý là miền Nam mặc đẹp hơn, nhưng cái hồn Việt của "mặc Nam" có lẽ không thể rõ bằng "ăn Bắc".
Vài dòng buồn buồn viết chơi một đêm khó ngủ, mong mọi người đừng nghiêm trọng hóa vấn đề.