‘Em chẳng còn cơ hội lấy được người đàng hoàng’
Tác giả: Andew Lam/NAM
Chuyển ngữ: Triệu Phong/Người Việt
LTS: Cô Phạm Lan, 21 tuổi, làm nghề massage trong một khách sạn ở
Quận Một, Sài Gòn. Ðây là nơi mà đa số du khách ghé lại khi đến Việt
Nam. Cũng như hằng triệu người trẻ khác từ vùng quê, Sài Gòn có sức
thu hút mãnh liệt với hứa hẹn của những cuộc sống tốt đẹp hơn, để khỏi
phải suốt ngày cong lưng trên cánh đồng lúa và nợ nần thì cứ mãi chồng
chất. Lan kể lại với Andrew Lam, chủ bút của tổ chức New America
Media (NAM), người trở lại thăm quê nhà vào dịp 35 năm ngày kết thúc
cuộc chiến. Người Việt đăng bản chuyển ngữ của Andrew Lam, với sự
đồng ý của tác giả.
Em từ quận Tân Châu, tỉnh An Giang, gia đình có sáu người, tất cả đều
làm ruộng. Em lên Sài Gòn đã được bốn năm.
Anh có biết người nông dân cơ cực đến chừng nào không? Cuộc sống
của người nông dân là cuộc sống mà nợ khi nào cũng ngập đầu. Ðời
sống lệ thuộc vào vụ mùa. Những tháng ngồi chờ lúa chín, người nông
dân cần nuôi sống gia đình nên họ phải vay nợ. Ðến mùa gặt, nợ cộng
với tiền lãi, mới được trả. Nhưng những lúc bị thiên tai lụt lội hoặc mất
mùa, người nông dân lại phải vay thêm để sống còn, và cứ thế, họ sống
mãi trong nợ nần. Cuối cùng đành chọn làm những công việc chẳng
đặng đừng để kiếm tiền.
Cha mẹ em mang nợ dài dài, họ không kiếm đủ tiền để nuôi bốn đứa
con. Chị em lấy chồng năm 17 tuổi, chị cưới một ông già Ðài Loan mà chỉ
lúc ổng đến hỏi xin cưới mới được thấy mặt lần đầu. Vì cần tiền mà chị
phải lấy ổng. Trong một năm đầu, chị gửi tiền về đều đặn, nhưng bây
giờ thì không biết chuyện gì xảy ra bên đó. Chị biệt tích như vậy đã
nhiều năm rồi. Do vậy, nhà em nay phải mang nợ trở lại và đây là lúc
đến lượt em phải lo cho gia đình.
Em là con thứ trong nhà. Với em, gia đình quan trọng hơn chính bản
thân mình, nên vì gia đình, em sẵn sàng làm mọi thứ, bất kể công việc
gì. Em có thích công việc mình đang làm không? Anh hỏi gì kỳ vậy? Dĩ nhiên là không, nó làm hỏng mất đời em rồi. Ðể em nói cho anh nghe,
thà chọn lối sống này còn hơn ngồi khoanh tay nhìn gia đình chết đói,
hay bị tống cổ ra khỏi mảnh đất của họ.
Than thở với ai bây giờ? Sài Gòn đầy rẫy dân tứ xứ, những người như
em, những kẻ từ vùng quê đến đây để kiếm sống, để sống còn. Tết đến,
đường phố vắng ngắt, người người kéo nhau về quê sum họp với gia
đình. Ðó là thời gian duy nhất mà người ta có thể ngưng làm công việc
nuôi sống gia đình, để về đoàn tụ.
Khi mới lên Sài Gòn lần đầu, em không thể tưởng tượng được cuộc sống
ở đây có thể xa hoa đến thế. Nào là nhà cửa to lớn, xe cộ bóng láng.
Nhưng người Sài Gòn coi rẻ dân ở tỉnh lên như chúng em. Họ coi thường
giới nông dân. Họ cho chúng em là ngu đần. Ðúng ra em hầu như luôn
luôn nằm ở gần tột đỉnh của giai cấp mình. Em đọc sách đọc báo nhưng
họ vẫn nghĩ em là ngu dốt và thiếu học. Em bỏ ngang việc học vào năm
lớp chín để giúp đỡ gia đình, nếu có cơ hội, ắt em sẽ tiến xa hơn.
Em đọc hiểu gì qua báo chí? Nào là người ta xây thêm nhiều sân golf.
Hằng tỉ đô-la được đổ ra để đầu tư. Nhưng tiền dành ra cho những kẻ
như chúng em đi đâu cả? Các đại gia xây những căn biệt thự có trần mạ
vàng. Kẻ quyền thế chỉ biết lo chơi golf trong khi cầu cống ở các tỉnh cứ
bị sập hoài. Người giàu có chơi tennis rồi kéo đến đây tẩm quất, rồi họ
cư xử với các cô gái như đồ bỏ.
Nếu em là chủ tịch nước em sẽ lo nuôi sống dân nghèo, làm chỗ ở cho
người không nhà. Em sẽ làm những gì để cho người nghèo thấy họ được
quan tâm giúp đỡ. Em sẽ không đuổi người dân ra khỏi mảnh đất của họ
để người giàu xây nhà cao tầng và sân golf.
Nói về khách hàng, em không thích người Mỹ, em thích người Úc hơn.
Họ tử tế và vui tính. Có người muốn hỏi cưới em sau khi em làm cho họ
được sung mãn, nhưng tất cả đều là giả dối. Họ trở lại vài lần rồi biệt
dạng.
Nhưng em không muốn cưới người Việt. Họ quỷ quyệt lắm... Ðàn ông
Việt Nam không thể tin tưởng được. Họ đối xử với đàn bà như rác, đặc
biệt là hạng chúng em. Xong việc rồi là phủi tay. Họ cho “tip” một cách
bủn xỉn, thậm chí họ không cho đồng nào ngoại trừ phải nhắc mãi. Có
khi họ còn sỉ vả sau khi được phục vụ xong. Có lần, đang tẩm quất bằng
cách bước trên lưng, em muốn đạp một cái cho gãy phứt cổ luôn.
Bây giờ em dư giả rồi. Em có đủ để nuôi sống gia đình và cho hai đứa
em tiếp tục ăn học. Em còn dư tiền để thỉnh thoảng được người khác
đấm bóp cho mình nữa.
Em biết em không thể tiếp tục như thế này mãi được, nhưng nếu em đổi
sang nghề nấu ăn hay làm công nhân nhà máy thì em không dành dụm
được tiền nữa, và gia đình lâm cảnh khó khăn trở lại. Em biết em cần phải có khả năng chuyên môn mới sống còn được, nhưng biết học
chuyên môn nào nếu không có tiền để đi học?
Mối lo lớn nhất của em bây giờ là khó mà có cơ hội để lập gia đình. Biết
em làm nghề này em sẽ bị người ta khinh rẻ ngay. Em không còn cơ hội
để lấy được người đàng hoàng. Em thấy không có lối nào để bước ra.
Nhưng phụ nữ làm nghề đấm bóp cũng mơ mộng cao xa. Em mơ một
ngày nào đó tìm được người chồng tốt. Em mơ có đủ tiền để đi tìm bà
chị và mang bả về với gia đình. Sau đó em sẽ xây một căn nhà đẹp để
cả gia đình cùng sống chung với nhau. Có điều là không biết bao giờ
điều đó mới xảy ra. (T.P.)